Ma-ri-a có phúc vì đã tin…
Bà chị Ê-li-sa-bét đã cất
tiếng khen ngợi cô em họ Ma-ri-a rằng: “Em
thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
Tôi vẫn tự hỏi: nội dung niềm tin mà Ma-ri-a đặt nơi Lời Chúa hệ tại ở điều gì?
Qua vị sứ thần, Ma-ri-a
có lẽ chỉ biết cách chung chung rằng Thiên Chúa đang muốn thực hiện nơi mình một
điều gì kỳ diệu lắm; tuy nhiên cô chưa thể nắm bắt cách chi tiết những điều kỳ
diệu đó cụ thể là gì: thụ thai mà vẫn khiết trinh, trở thành Mẹ Thiên Chúa, được
giữ vô nhiễm nguyên tội, hay được lên trời cả hồn lẫn xác…, tất cả các khái niệm
đó chắc chắc không thể có trong đầu óc cô lúc đó. Qua bài ca ‘Ngợi Khen’ (Magnificat) chúng ta được hé mở cho thấy, đối với Ma-ri-a, cái điều
gì đó được coi là kỳ diệu chung qui chỉ tập trung vào một điều duy nhất: các diễn
biến phức tạp đang xảy ra minh chứng một điều, đó là“lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô biên”. Quả vậy, tư tưởng “Lòng thương xót Chúa” là điệp khúc xuyên
suốt trong toàn bộ bài Ngợi Khen: “Phận nữ
tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới… Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương
xót… Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ap-ra-ham, và cho con cháu đến
muôn đời.”
Phải, chính lòng thương
xót Chúa mới là tâm điểm để Ma-ri-a lên tiếng ca ngợi Thiên Chúa đến muôn đời.
Các ân huệ khác, dầu có lớn tới mấy, cũng vẫn chỉ là phụ thuộc mà thôi. Chính
điều này mới là nguyên nhân thái độ ngợi khen mà Ma-ri-a muốn diễn tả trước các
hồng ân cao cả mình nhận được. Phúc Âm Lu-ca đã chú tâm diễn đạt điều này cách
đặc biệt.
Chúng ta vẫn thường có
thói quen nhìn vào các ân huệ mình nhận được (to hay nhỏ) để mà cất tiếng ngợi
khen cảm tạ Thiên Chúa. Ân huệ càng lớn ta càng cảm tạ nhiều, và căn cứ vào đó
mà đánh giá sự nhân lành của Thiên Chúa. Ngược lại, nếu không nhận được ân huệ
nào, rất có thể ta sẽ coi như mình không được Thiên Chúa xót thương, để rồi tủi
hổ cho số phận hẩm hưu. Hiếm khi nào ta dành chút thời giờ để chiêm ngưỡng Thập
Giá, và nhận ra lòng nhân lành của Thiên Chúa được khảng định trong Đức Ki-tô
Giê-su, bất chấp ân huệ mình đã nhận được nhiều hay ít, to hay nhỏ, thậm chí có
nhận được hay không; “Phúc thay những người
không thấy mà tin!” (Ga 21:29) là thế đó! Chính vì thế mà ta rất dễ dàng so
đo hơn thiệt các ơn huệ nhận được, nơi mình hoặc nơi kẻ khác. Khi chiêm ngưỡng
các hồng ân Đức Mẹ nhận được, chẳng hạn như hồng ân được rước về trời cả hồn lẫn
xác, ta thường có khuynh hướng đề cao như một đặc ân chỉ dành riêng cho Mẹ. Xét
cho cùng thì đó cũng là thái độ rất tự nhiên thôi (đôi khi còn có thể pha chút ít
ganh tị?). Đã từng có một phụ nữ lên tiếng ca ngợi kiểu đó “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy
bú mớm…” (Lc 11:27-28) Đức Giê-su lần đó, và nhiều lần khác nữa, đã khảng định
rằng hồng ân coi như dành riêng đó, một cách nào đó, đang được chia sẻ cho hết
thảy mọi người. Cũng tương tự như thế, liên quan tới đặc ân ‘vô nhiễm nguyên tội’
hay ‘lên trời cả hồn lẫn xác’, Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô đã chẳng
khảng định là các hồng ân này sẽ được ứng dụng cho hết mọi kẻ tin qua mọi thời
đại là gì? “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa
đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ
tình thương của Người…” (1:4), và “Người
cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã
định từ trước trong Đức Ki-tô: đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là qui tụ
muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (1:9-10).
Vậy thì, khi tôi cùng với
toàn thể Giáo Hội ca ngợi bất cứ hồng ân nào mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ
(hay cho một vị thánh nào đó) - chẳng hạn như hồng ân hồn xác lên trời hôm nay
- cách tốt nhất là hướng cặp mắt về lòng từ ái vô biên của Chúa và tin vững chắc
hơn nữa vào kế hoạch yêu thương Người đang thực hiện. Cùng với Mẹ, tôi dồn trọn
tâm tình tri ân cảm tạ vào Thiên Chúa, vì lòng nhân hậu bao la của Người ‘trải qua đời nọ tới đời kia’. Đó đồng thời
cũng là thái độ mà tôi phải có khi nhận được bất kì hồng ân nào, hay khi chứng
kiến một ai khác nhận được. Niềm vui lớn nhất của tôi không hệ tại khối lượng
ân huệ lớn nhỏ đã nhận được, nhưng hệ tại ở tin tưởng ngày càng vững chắc hơn
vào lòng nhân hậu thương xót vô bờ của Thiên Chúa, điều mà Đức Giê-su Ki-tô đã khảng
định cách thuyết phục qua Thập Giá của Người. Lời cầu chúc “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực
hiện những gì Người đã nói với em” cũng sẽ được ứng nghiệm cho cả tôi nữa,
và cho mọi Ki-tô hữu qua mọi thời đại.
Như thế lễ Mẹ Lên Trời hôm
nay phải mang lại cho tôi - phải, cho chính tôi - một niềm vui cao cả và mênh
mông như thế đó!
Lạy Chúa, hôm nay con chiêm ngắm hồng ân Chúa dành cho Mẹ Ma-ri-a
được rước lên trời cả hồn lẫn xác. Con muốn được hòa mình vào tâm tình của Mẹ để
tin vững chắc hơn vào lòng thương xót vô bờ bến Chúa đã dành cho Mẹ. Con tin rằng
những hồng ân Chúa dành cho Mẹ thì cũng dành cho cả con nữa…, đồng thời cho hết
thảy mọi tín hữu trải qua các thế hệ. Con cũng xin Mẹ dạy cho con biết cả đời đặt
trọn niềm tin vững chắc vào lòng Chúa xót thương, khi nhận được các ân huệ lớn
nhỏ, cũng như khi gặp thử thách gian nan. Xin cho con được chia xẻ cái phúc lớn
nhất của Mẹ là luôn tin rằng Lời Tình yêu đã nói với con chắc chắn sẽ được thực
hiện. A-men
God bless
Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc