Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu
Câu chuyện bánh ăn vẫn
chưa tới hồi kết nhưng lại ngày càng trở nên gay cấn hơn. Các người Do Thái bắt
đầu cảm thấy bực bội khó chịu; họ xầm xì – phản đối (xem Xh 15:24; 16:12;
17:3), nhưng lần này không còn xoay quanh vấn đề bánh đó là thức ăn gì, hay người
nào cho ăn, mà tập trung vào vấn nạn, người cho ăn bánh đó từ đâu mà đến; “tại sao bây giờ ông ta lại nói: “tôi từ trời
xuống?’ Qua cuộc tranh luận về ăn bánh này, Đức Giê-su đã đưa nhóm thính giả
Do Thái, vốn có rất ít thiện cảm với Người, đi tới một kết luận hết sức bất ngờ:
“Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha
đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa
Cha. Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời”.
Câu
khảng định gây ngạc nhiên trên cho các thính giả Do Thái khi cho biết một điều
chưa từng được nghe ai nói tới bao giờ, đó là bất cứ ai thấy được Chúa Cha thì
người đó sẽ có sự sống đời đời. Điều này trước hết hoàn toàn trái ngược với
quan niệm phổ thông của người Do Thái đương thời; họ cho rằng, Đức Chúa, Chúa
các đạo binh là đấng quyền uy cao cả vô song tới nỗi không ai có thể nhìn thẳng
mặt Ngài được, nếu không muốn chết (xem Xh 19:21). Ngay cả các thiên thần,
trong quan điểm của họ, cũng phải hãi sợ lấy cánh che mặt mỗi lần ra trước
Thánh Nhan (xem Is 6:1-3). Đến cả Mô-sê từ đỉnh núi Si-nai đi xuống, sau khi đã
nhận lãnh các bia đá giới luật, mặt ông còn phản chiếu vinh quang Đức Chúa chói
lọi tới độ dân chúng không dám nhìn trực diện, buộc ông phải lấy mảnh vải thưa
che mặt mình lại (xem Xh 34:29-34). Thế đấy, làm sao một Đức Chúa đáng khiếp sợ
như thế lại có thể trở thành nguồn cứu rỗi, và nhân vật đã nhìn thấy Đức Chúa,
rồi từ Ngài mà đến, lại có thể ban sự sống chứ không phải là cái chết cho con
người? Chính vì suy nghĩ như thế mà sau này, khi Phi-líp-phê đại diện cho các
tông đồ và những kẻ tin khao khát được nhìn thấy Cha và lên tiếng: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa
Cha, như thế là chúng con mãn nguyện!” (Ga 14:8) thì đó đã là cả một lời
tuyên xưng đức tin rất can trường và hiếm có. Nếu đối với các người môn đệ - những
kẻ tin đã là như thế, thì đối với những ai không tin, đương nhiên việc ao ước
được nhìn thấy Đức Chúa uy hùng để rồi phải chết là điều không thể. Do đó câu
khảng định tiếp theo của Đức Giê-su lại càng chói tai, càng khó chấp nhận hơn đối
với nhóm cử tọa đa nghi: “Tôi là bánh trường
sinh, bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.”
Khi đồng hóa việc ‘nhìn
thấy Cha’ - là điều không ai dám làm, với việc ăn bánh và tin vào Người Con, Đức
Giê-su đã làm một mời gọi vô cùng táo bạo, vượt quá hết mọi giới hạn chấp nhận
của người đương thời. Nó đòi dân chúng nói chung, đặc biệt đám thính giả Do
Thái nói riêng, phải có khả năng chuyển dịch từ quan niệm về một Thiên Chúa quyền
uy cao cả, xa cách và đáng khiếp sợ, để chấp nhận diện mạo đối nghịch về một
Thiên Chúa gần gũi, thấp hèn và từ nhân. Điều này cũng giống như đòi các tín đồ
Do Thái nhiệt thành phải bỏ hẳn lối hiểu biết về (hay niềm tin vào) Đức Chúa
oai hùng của Mô-sê và các tổ phụ, để đặt trọn niềm tin vào một Thiên Chúa Nhập
Thể biểu hiện nơi con người ông Giê-su quá tầm thường này, “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông
Giu-se đó sao? Cha mẹ ông chúng ta đều biết cả” (câu 42). Đơn giản họ không
bao giờ có thể chấp nhận nổi điều này!
Đối với Ki-tô hữu chúng
ta ngày nay, chính vì Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể đã dần trở thành một ‘công
thức’ quen thuộc, cho nên việc chấp nhận lời mời gọi ‘ăn bánh trường sinh’ cũng
không còn là điều gì quá chói tai. Tuy nhiên cũng như mãi mãi Thiên Chúa Nhập
Thể vẫn là một mầu nhiệm khó nuốt trôi, thì việc ‘ăn bánh hằng sống’ với tất cả
niềm tin sâu sắc cũng chẳng dễ dàng gì. Bao lâu ta còn đặt nặng việc tôn thờ một
Thiên Chúa quyền uy cao cả, bấy lâu ta còn chưa thể khai thác được tất cả sự
phong phú của Mầu Nhiệm Nhập Thể; bao lâu ta chưa thể thuyết phục được mình, rằng
yếu tính quan trọng nhất của Thiên Chúa chính là sự từ bi nhân ái và hay xót
thương, bao lâu ta còn chưa chịu chấp nhận “ai
thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9) khi ngước nhìn lên Thập Giá, bấy lâu
ta vẫn chưa thể bị thuyết phục rằng: “Ai
ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi
đây, để cho thế gian được sống”. Thế đó, Thánh Thể luôn là biểu hiện của một
niềm tin sâu sắc nhất (mầu nhiệm đức tin) chính là ở điểm này!
Niềm tin của tôi vào
Thánh Thể hệ tại ở điều gì?
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc