Tôn kính bằng môi bằng miệng
Cuốn
Christian Community Bible chú thích
đoạn Lời Chúa hôm nay (Mc 7:1) như sau: “Không
một nhóm nào, kể cả Giáo Hội, có thể đứng vững mà không có truyền thống tập
quán. Nhưng dù tốt đến mấy, các truyền thống này đều do con người tạo ra. Như
cách cử hành thánh lễ, các ngày lễ, các tuần cửu nhật v.v…, tất cả những gì một
giáo hoàng, một giám mục, một cộng đoàn Ki-tô hữu đã đặt ra trong quá khứ, thì
một vị giáo hoàng khác, một giám mục khác, một cộng đoàn Ki-tô hữu khác có thể
thay đổi được. Chính vì tất cả những điền này có thể thay đổi nên ta hiểu ngay
rằng đây không phải là điều chính yếu của đời sống Ki-tô giáo.” Cũng theo
chú thích của hai anh em nhà Hurault,
ta đừng lẫn lộn các truyền thống phức tạp, hay nói đúng hơn các tập tục và thói
quen trải dài qua các thế kỷ của lịch sử Giáo Hội, với truyền thống của Hội
Thánh; “Có một cách thức hiểu Kinh Thánh
mà Chúa Giê-su và các Tông Đồ cũng đã hiểu như thế: đó là điều mà người ta gọi
là truyền thống các Tông Đồ (Apostolic Tradition). Và Hột Thánh được các Tông Đồ
thành lập luôn gìn giữ truyền thống này, tức là Tinh Thần của các Tông Đồ.”
Những lời khảng định
trên thật xác đáng và quan trọng. Đức Giê-su và sau đó là các Tông Đồ, đặc biệt
Tông Đồ Phao-lô - cách riêng trong thư gửi các tín hữu Ro-ma và Ga-lat - đã
không ngừng phân biệt rõ giữ đạo - là giữ các tập tục (mà rất nhiều khi khoác
cho danh nghĩa ‘truyền thống’) - với sống niềm ‘tin’ đích thực. “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà
duy trì truyền thống của người phàm”…, như thế giữ đạo có thể khác xa sống
đức tin chân chính; “Dân này tôn kính Ta
bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì
cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.”
Đối với người Do Thái của
Cựu Ước thì tinh thần kính sợ và tôn thờ Đức Chúa Gia-vê là điều quan trọng hơn
hết. Không có tinh thần này thì việc tuân giữ khắt khe mọi lề luật, qui định -
điển hình như các luật liên quan tới việc thanh tẩy và ngày Sa-bát – thì cũng kể
bằng không… Hoặc cùng lắm, cũng chỉ được coi như nắm giữ các tục lệ - tập quán
do con người xuôi dòng lịch sử bày ra mà thôi.
Thế còn đối với Ki-tô hữu
- ta tự hỏi - điều răn Thiên Chúa hay truyền thống Tông Đồ cụ thể là gì? Đức
Giê-su, cho dầu tuyên bố không phá bỏ giới răn hay lề luật cũ, đã hơn một lần
khảng định điều răn mới mà Người để lại cho các môn đệ chính là giới luật yêu
thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn
mới là, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).
Không sở đắc trong thâm sâu cõi lòng giới luật mới này thì việc giữ căn kẽ mọi
qui định của Giáo Hội (kể cả việc đi lễ ngày Chúa Nhật hay giữ các ngày chay tịnh)
cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Truyền thống Tông Đồ đã không ngừng đề cao điều
đó: “Giả như... tôi biết hết mọi điều bí
nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non… mà
không có đức mến… thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13:1-3). Và chính
vì để duy trì và phát huy tình mến này trong lòng mà toàn bộ cuộc sống Ki-tô hữu
đều không ngừng qui hướng về hiến tế Thập Giá, nhất là qua việc cử hành Thánh Lễ.
Khi dâng lễ, tín hữu cử hành ‘như Thầy
yêu thương anh em’ hầu có thể ‘hãy
yêu thương nhau’ trong cuộc sống. Một khi đã hiểu được ‘Thầy yêu thương’ như thế nào, và có được
‘đức mến trong lòng’, họ sẽ “cứ yêu đi,
và bạn làm gì cũng được ”, như Thánh Âu-tinh đã từng tuyên bố. Tất cả các
qui định của Giáo Hội lúc đó sẽ không còn được coi như gánh nặng luật lệ áp đặt
từ bên ngoài (không giữ thì mắc tội), nhưng được đón nhận như những chỉ dẫn
khơi nguồn tình yêu trong con tim.
Chỉ khi đó, phải, chỉ
khi đó mà thôi, các tín hữu mới thật sự hiểu được lời Đức Giê-su đã từng tuyên
bố “Thầy đến không phải là để bãi bỏ Luật,
nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17)… Kiện toàn không phải vì khắt khe chi li
hơn, nhưng là vì đưa tới sức mạnh tình yêu; và như thế đương nhiên là họ cảm thấy
thảnh thơi trong việc giữ đạo, “vì ách
tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:30).
Thế nhưng chính tôi, sau
bao nhiêu năm sống niềm tin Ki-tô hữu, tôi vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn thảnh
thơi thoải mái, ấy là vì… tôi chưa có được khả năng thực sự ‘tin và thờ phương
Thiên Chúa tình yêu trong tinh thần và chân lý’.
Lạy Chúa! Trong hơn 70 năm cuộc đời, con đã trải nghiệm
không biết bao nhiêu là đổi thay về luật lệ, truyền thống và tập tục, về mặt
dân sự cũng như Giáo Hội, cả về thời gian lẫn không gian. Phải chăng điều này
là một hồng ân Chúa ban, hầu con nhận ra rằng: điều quan trọng hơn hết trong niềm
tin Ki-tô hữu là biết Chúa yêu con và con được sống chan hòa trong yêu thương với
hết mọi người? Xin cho con không bao giờ để cho bất cứ điều luật nào lấn lướt
luật tình yêu này, và còn dạy cho các tín hữu biết sống như thế nữa. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc