0



22 tháng 7
THÁNH NỮ MA-RI-A MÁC-ĐA-LA
Suy niệm Tin Mừng Ga 20:1-2.11-18
Tại sao lại là Mác-đa-la?

            Tại sao chứng nhân đầu tiên và quan trọng nhất của biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su lại là Ma-ri-a Mác-đa-la, một phụ nữ được bốn Phúc Âm nhắc tới khá nhiều, nhưng vốn được coi là không mấy danh giá về mặt luân lý? Trong suy niệm này, tôi không muốn rơi vào cuộc bàn cãi chuyên môn rất phức tạp: liệu Mác-đa-la này có phải đồng thời là Ma-ri-a ở Bét-ta-ni và là người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành được nói tới trong Lc 7:36-50 hay không? Dầu thế nào đi nữa thì truyền thống công giáo vẫn luôn coi Ma-ri-a Mác-đa-la là người phụ nữ “đã yêu mến nhiều,vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha”, và chính cái nét ‘yêu mến nhiều’ này đã được Gio-an dùng để phác họa lại nhân vật Ma-ri-a trong bức tranh Tử Nạn và Phục Sinh của mình.
            Phải, Ma-ri-a Mác-đa-la chính là người phụ nữ đứng gần thập giá Đức Giê-su được Gio-an nêu đích danh (Ga 19:25). Sau này chị đã được nói tới như nhân chứng đầu tiên được Đấng Phục Sinh hiện ra với và sai đi loan báo biến cố quan trọng này cho các môn đệ khác. Nhưng tại sao lại là Mác-đa-la - một phụ nữ mà thanh danh dưới cả mức trung bình được chọn cho một danh dự lớn lao như thế? Một ngẫu nhiên chăng hay có chủ đích rõ ràng? Thiết tưởng cùng với việc Mát-thêu - người thâu thuế được gọi làm tông đồ, Phê-rô - môn đệ chối bỏ Thầy được cắt đặt làm thủ lãnh tông đồ đoàn, Phao-lô - kẻ bắt đạo trở thành tông đồ nhiệt thành rao giảng… thì Mác-đa-la – nữ tội nhân trở thành đệ nhất chứng nhân sẽ ăn khớp cách hoàn hảo với toàn cảnh bức tranh rất hoành tráng của Tin Mừng cứu rỗi. Sau này cho dầu huyền thoại có muốn thêu dệt nên một Mác-đa-la - nữ thánh với những tình tiết như lui về Ê-phê-xô ở ẩn cùng với Ma-ri-a - Mẹ Đức Giê-su, hay một Mác-đa-la truyền giáo miền Provence - nước Pháp với một đời sống đầy những sám hối và khổ hạnh (xem St Mary Magdalen trong Catholic Encyclopedia), thì Mác-đa-la của các sách Tin Mừng vẫn giữ nguyên nét độc đáo riêng, đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng.
Phải là một Mác-đa-la “đã yêu mến nhiều, vì tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha” mới xứng đáng sức dầu thơm “có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (Ga 12:7), mới xứng đáng đứng gần thập giá khi Giê-su thốt lên: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi gục đầu xuống và trao Thần Khí’ (19:25), mới ‘sáng ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối… đã đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ… liền chạy về gặp Si-mon Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến…’ (20:1-2), mới ‘đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc…’ (20:11), và mới âu yếm kêu lên với Người Thầy sống lại: “Ráp-bu-ni!” (20:16) Thế đấy, chỉ có ai “đã yêu mến nhiều, vì tội… rất nhiều nhưng đã được tha” mới đáng có cái vinh dự được làm tất cả các điều ấy, và làm cách chân thành nhất với cả cõi lòng mình. Nhiều người đã muốn gọi Mác-đa-la là ‘tông đồ cho các tông đồ’ (Apostle to the Apostles), hay một nữ anh hùng của niềm tin (Protestant churches honor her as a heroine in the faith), nhưng thiết tưởng còn hơn thế nữa, chị nên được coi là mẫu mực hay tiêu biểu cho ơn gọi Ki-tô hữu qua mọi thời đại. Kể từ ngày lãnh nhận phép rửa ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, Ki-tô hữu được sách Công Vụ Tông Đồ mô tả như những con người ‘đau đớn trong lòng…’ vì nhận ra những lỗi tội mình phạm, để rồi đáp lại lời mời gọi của Phê-rô: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô để được ơn tha tội…” (Cv 2:37-38). Rất tiếc sau này thói quen rửa tội ấu nhi đã làm cho khía cạnh căn bản và quan trọng này của ơn gọi Ki-tô hữu đễ bị lu mờ. Ki-tô hữu tiên quyết phải là những con người, trong niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, “yêu mến nhiều, vì tội rất nhiều nhưng đã được tha”. Họ phải là những người không ngừng ‘đứng gần thập giá Đức Giê-su’, những người hàng ngày chứng kiến và làm chứng cho mọi người về cái Chết Thập Giá và Phục Sinh của Người. Tắt một lời, để có thể chu toàn xuất xắc sứ mạng được trao phó, nhất thiết họ phải kinh qua cùng một tâm trạng như Ma-ri-a Mác-đa-la thuở nào.
Thế nên không lạ gì, trong số các diện mạo khả ái hay ít khả ái hơn được các sách Phúc Âm đề cao, Mác-đa-la chiếm một vị trí đặc biệt. Ngay từ thời buổi đầu tiên, các Ki-tô hữu đã sớm nhận ra nơi chị hình ảnh của chính mình là ‘đứng gần Thập Giá’, sứ mệnh của mình là làm chứng về Giê-su đã chết và sống lại (không như một sự kiện bên ngoài, nhưng như một biến đổi sâu xa bên trong mà chính mình phải là một chứng nhân thực thụ…), và mình được sai đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người trong hân hoan. Họ coi Ma-ri-a Mác-đa-la là ‘thánh nữ’ chính vì những điểm này hơn là bất cứ điều gì khác chị sẽ thực hiện sau này trong phần còn lại của đời chị. Họ hiểu rằng đời Ki-tô hữu của họ cũng hệ tại ở việc sức dầu ‘thống hối’ mai táng mà họ phải làm mỗi ngày, vì…  Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô ấy” (Mt 26:13).
Sự thánh thiện Ki-tô hữu của tôi có nét gì của Ma-ri-a Mác-đa-la không nhỉ?

Lạy thánh nữ Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã vạch ra con đường Ki-tô hữu tiêu biểu và rõ ràng nhất; xin dạy con biết sống ngày càng sâu hơn sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô, hàng ngày trong suốt đời con. Mỗi khi con sa ngã lỗi phạm, xin cho con biết ‘đứng gần Thập Giá’ để đón nhận hồng ân cứu độ…, rồi với lòng thống hối chân thành, xin cho con gặp được Đấng Phục Sinh, để được Người sai đi loan báo Tin Mừng này cho mọi người. Xin ban cho con biết như ngài biến đổi các tội lỗi mình phạm thành ‘yêu mến nhiều’ hơn, để được tận hưởng lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa. A-men  

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top