Người sai các ông đi
Đọc
sách Tin Mừng Mác-cô, người ta dễ dàng thắc mắc tại sao Đức Giê-su lại sai các
môn đệ lên đường đi rao giảng sớm quá như vậy, với một chuẩn bị quá sơ sài như
thế; và quan trọng hơn nữa, các ông môn đệ này lên đường rao giảng cái gì đây,
họ đâu đã được dạy dỗ căn kẽ gì cho cam?
Quả
vậy, chỉ tới chương 3 của sách Tin Mừng, tác giả Mác-cô mới cho biết Đức Giê-su
‘lên núi và gọi đến với Người những kẻ
Người muốn… Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các
ông đi rao giảng’ (Mc 3:13-14); sau đó trong chương 4 tác giả ghi lại một
vài nét giáo huấn của Người qua một số dụ ngôn, rồi chương 5 tường thuật thêm một
vài phép lạ… và thế là chương 6 Người đã sai các ông đi rao giảng. Trước hết
khó có thể xác quyết là các môn đệ đã nắm bắt và thấu hiểu tường tận sứ điệp
Tin Mừng mà Đức Giê-su muốn mạc khải (xem Gioan chương 16). Chính vì thế mà ta
có thể kết luận rằng, mục đích của chuyến sai đi lần này cùng lắm là để các môn
đệ nếm được cái cảm nghiệm sơ khởi, ‘được cùng Thầy chia sẻ một sứ mạng’.
Sứ mạng Đức Giê-su được
chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn một là công bố:
“Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa
đã đến gần… anh em hãy sám hối” (Mc 1:15). Trong giai đoạn này việc tỏ lộ
quyền năng Thiên Chúa qua các dấu lạ là rất cần thiết, nhất là đối với đám dân
chúng bình dị. Đức Giê-su đã thực hiện một số phép lạ để quả quyết rằng: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ
quỷ, thì quả là Triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:20). Vì thế,
không lạ gì, khi sai môn đệ lên đường lần này, Đức Giê-su chỉ trang bị cho các
ông duy một điều, ‘Người ban cho các ông
quyền trừ quỷ’. Tiếng là rao giảng, nhưng hình như các môn đệ giảng dạy rất
ít, ngoài việc ‘kêu gọi người ta ăn năm
sám hối’; các ông hành động nhiều hơn, ‘Các
ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh’.
Hành động như thế các ông đề cao quyền năng Thiên Chúa hơn là sức mạnh của
mình. Đó là lý do, hay để làm nổi bật điều đó, ‘các ông không được mang gì đi đường… không được mang lương thực, bao bị,
tiền đồng để giắt lưng… không được mặc hai áo’. Tóm lại giai đoạn này cần
hành động, nhưng là hành động làm lộ rõ quyền năng Thiên Chúa.
Giai đoạn hai, đồng thời
cũng là tâm điểm của sứ mạng Đức Giê-su, là mạc khải Tin Mừng cứu rỗi qua cuộc
tử nạn thập giá. Giai đoạn này không cần tới nhiều phép lạ cho bằng làm sao để
mọi người nhận biết lòng nhân ái vô biên của một Thiên Chúa xót thương và cứu độ.
Ngay cả Đức Giê-su trong giờ phút đó cũng giữ thái độ thinh lặng thay vì làm dấu
lạ như vua Hê-rô-đê yêu cầu (xem Lc 23:8-11). Chương 16 sách Tin Mừng Mác-cô sẽ
đề cập tới việc sai đi lần thứ hai này; “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai
tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16:15). Việc loan báo này hình như
cũng không cần nhiều lời giảng dạy cho bằng nhiều chứng nhân, ‘anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại
Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tân cùng trái đất’
(Cv 1:8). Các môn đệ nói chung, và Tông Đồ Gio-an nói riêng, chắc chắn đã hiểu
được giá trị của việc làm chứng này; “Người
xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy
biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Hơn thế nữa,
chứng từ này sẽ không phải là thuyết minh dài dòng, chưng dẫn các lý lẽ và bằng
chứng thuyết phục, nhưng chủ yếu dựa vào Thần Khí Chúa, một dạng quyền năng tuyệt
vời của Thiên Chúa Cứu Độ. Sai đi lần hai này là như thế, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em! Nói xong, Người thổi
hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. (Ga 20:21-22).
Như vậy ta nhận ra một
điều, trong cả hai giai đoạn này vai trò của con người xem ra khá giới hạn! Suy
tư trên giúp tôi nắm bắt rõ hơn tiến trình ‘truyền giáo’ và hoạt động tông đồ của
Hội Thánh nói chung qua các thời đại, cách riêng các hoạt động của chính cá
nhân tôi; đó là rao giảng Tin Mừng phải bằng hành động trong quyền năng Thiên
Chúa, và công bố Hồng Ân Cứu Độ qua chứng tá đức tin dưới tác động mãnh liệt của
Thần Khí Chúa…, đồng thời cũng cần xác định rõ, vai trò của mình trong công cuộc
vĩ đại đó thật là nhỏ bé. Một rao giảng như thế cũng không đòi tôi nhất thiết
phải là một bậc thánh hiền, một gương mẫu về đạo đức, một trí tuệ siêu phàm hay
thông minh tài trí, nhưng ngay trong sự yếu đuối của mình, tôi có thể chứng tỏ
được Thiên Chúa Cứu Độ đang hoạt động mãnh liệt và hữu hiệu nơi tôi.
Trong thời gian dưỡng bệnh
tại Hàn Quốc sau cuộc tham gia trực tiếp truyền giáo ngắn ngủi tại Mông Cổ, tôi
đã dành thời giờ chiêm ngắm thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê và nghiệm ra các điều
trên, rao giảng bằng chứng tá cuộc sống.
Lạy Chúa! Qua các thời đại, Chúa đã sai nhiều tông đồ khác
nhau đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân; người này Chúa sai thực hiện giai đoạn
một, người khác thể hiện giai đoạn hai, kẻ khác nữa cả hai giai đoạn cùng một
lúc. Có lẽ con thuộc thành phần thứ ba chăng? Xin cho con luôn biết xác tín rằng,
để trở nên môn đệ và tông đồ đích thực, con cần làm lộ rõ sức mạnh quyền năng
Chúa trong hành động và hiện diện sinh động của Thần Khí Chúa trong tâm hồn
con. Xin dạy con giảm bớt tin tưởng đặt nơi ‘bao bị, tiền đồng, cơm áo, v.v…’
thậm chí ngay cả trí tuệ, nhân đức hoặc thánh thiện của mình. A-men
Lm Gioan Ty
SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc