0


Suy niệm Tin Mừng Lc 10:25-37

Chiêm ngắm làm sao, yêu làm vậy

Ông thầy thông luật là một người Do Thái chính hiệu, thường xuyên suy niệm về luật pháp của Cựu Ước, chắc hẳn ông thừa hiểu rằng: yêu người là một luật điều mà mọi người Do Thái đều phải tuân giữ, dựa trên giao ước đã ký kết với Đức Chúa Gia-vê. Chính việc giữ các giới luật này sẽ tạo nên sự công chính thánh thiện, có sức mang lại sự sống đời đời, trong khi yêu người được ông hiểu là yêu người cận thân, còn kẻ thù thì đương nhiên phải ghét bỏ (xem Đnl 19:18-21); và điều này thật là hợp lý và rất thường tình, người cận thân trở thành người thân cận có đi có lại với mình; thậm chí ngay cả Đức Chúa Gia-vê trong lịch sử giải phóng cũng đã có đi có lại rất sòng phẳng với dân riêng của Ngài. Cũng chính vì quan niệm về Đức Chúa được luật pháp trình bày như thế, nên thầy thông luật đã có thể biện minh cho khái niệm ‘yêu đồng loại và ghét kẻ thù’ của mình là hợp lý.
Đức Giê-su cũng đặt ‘yêu người’ thành ‘luật’ nền tảng của Giao Ước Mới; đối với Người, yêu người cũng vẫn là yêu người cận thân, yêu đồng loại, tuy nhiên nội dung của hạn từ ‘cận thân’ này hình như đã được mở rộng tới chân trời vô tận, rộng tới độ, nó hầu như đã mang lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới, một cái mới vô tiền khoáng hậu. Đức Giê-su giải thích, bắt đầu bằng việc kể câu chuyện dụ ngôn về ‘người Sa-ma-ri tốt lành’, rồi ứng dụng bằng chính cái chết của Người trên thập giá, như một minh chứng cụ thể. Người muốn xác quyết rằng: chính Thiên Chúa là người đầu tiên thực hành cái ‘luật yêu người’ rất mới mẻ này. Quả vậy các Ki-tô hữu chúng ta, qua hình ảnh người Sa-ma-ri nhân hậu, luôn chiêm ngắm một Thiên Chúa yêu thương cứu vớt, một Thiên Chúa luôn chủ động đi bước trước, hiện thân cách cụ thể trong một Giê-su Ki-tô tự hiến và trao ban cách tự nguyện trên thập giá. Nhờ thế mà sự hiểu biết và thực thi ‘yêu người cận thân’ của các Ki-tô hữu cũng sẽ được biến cải hoàn toàn, tùy theo mức độ họ chiêm ngắm ‘Người Sa-ma-ri Tốt Lành’ đó ra sao.
Thiên Chúa mà Ki-tô hữu ký kết giao ước với, sẽ không còn là một Thiên Chúa chỉ yêu kẻ lành thánh và ghét bỏ kẻ tội lỗi, ân thưởng người lành và trừng phạt kẻ gian ác, như quan niệm thông thường của nhiều tôn giáo và ngay cả của Cựu ước. Khi bắt gặp một người sa ngã, Người đâu có như các thày tư tế và Lê-vi ‘tránh qua bên kia mà đi’. Thậm chí nhiều lần Người đã so sánh mình với thầy thuốc đến vì người bệnh chứ đâu vì người khỏe mạnh, với người mục tử bỏ cả đàn lại để ra đi tìm con chiên lạc. Người không những không xa tránh người bị phong hủi ghê tởm, mà còn chạm tới và chữa lành anh ta; không xua đuổi mà còn để cho người đàn bà tội lỗi ôm hôn chân mình… Ki-tô hữu phải biết rằng: mình đã ký kết Giao Ước Mới với một Thiên Chúa như thế. Mà làm sao họ không biết cho được, khi mà ngay từ khởi đầu ơn gọi Ki-tô hữu, chính họ đã lãnh nhận Phép Rửa thứ tha, và liên tục trong suốt đời sống không ngừng nhận đi lãnh lại bí tích Hòa Giải với lòng thống hối ăn năn? Đối với họ, hình ảnh người Sa-ma-ri tốt lành vẫn còn là quá mờ nhạt, so với ánh sáng nhân ái chói chang mà Đức Ki-tô Giê-su đã thực hiện trên thập giá, cho cá nhân họ và cho toàn nhân loại!
Ấy thế mà hình như vẫn còn điều gì chưa ổn: nếu trong tư cách Ki-tô hữu, chúng ta thật sự thường xuyên chiêm ngắm (chưa nói tới kết hợp mật thiết) một Giê-su - Thiên Chúa như thế; nếu ta liên tục làm dấu Thánh Giá và cử hành hiến tế Thập Giá… thì tại sao ta vẫn chưa thể yêu người cận thân, thậm chí ngay trong suy tưởng chứ chưa nói tới hành động? Cho tới giờ vẫn chẳng thấy gì chuyển biến cả; ta vẫn cứ đòi cho bằng được người ta phải yêu mình trước, để rồi mình yêu lại sau… Yêu người của chúng ta - Ki-tô hữu đâu có gì khác với yêu tha nhân của dân ngoại’ sống chung quanh, vẫn tính toán hơn thua, vẫn ‘hòn đất ném đi hòn chì ném lại’, vẫn chẳng mấy lộ rõ nét ‘tự hiến’ (cho dầu nhiều người, nhất là các linh mục tu sĩ, vẫn tự mãn đề cao và áp dụng hạn từ đó cho mình). Lý do có thể là: vẫn còn tồn tại một thiếu sót trầm trọng nào đó trong việc chiên ngắm ‘Người Sa-ma-ri Thập Giá’ của các Ki-tô hữu chúng ta; “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy”, lời Đức Giê-su nói với ông thầy thông luật, lẽ ra phải là cả một chương trình chiêm ngắm và hành động của mỗi Ki-tô hữu chúng ta qua các thời đại.
Ồi, nếu tôi đã biết chiêm ngắm nhiều hơn nữa một Thiên Chúa “đã thực thi lòng thương xót đối với…” chính tôi; một Thiên Chúa đã coi tôi là một cận thân, ngay cả khi tôi thù hằn và đối nghịch với Người, đã “chạnh lòng thương… lại gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương cho tôi, băng bó lại… rồi vực lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…”! Tôi thiết nghĩ: toàn bộ chương trình sống của Ki-tô hữu chúng ta chỉ hệ tại ở việc ‘chiêm ngắm’ lòng thương xót Chúa đã dành cho mình, rồi ra đi… và cũng làm như vậy.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm một Giê-su Thập Giá mà ‘người Sa-ma-ri tốt lành’ trong bài dụ ngôn chỉ là một phác thảo mờ nhạt; và câu kết của câu chuyện cũng là một lời mời gọi tôi: ‘hãy ra đi, và hành động như Người’.

Lạy Chúa Giê-su, để xây dựng và củng cố niềm tin và đời sống Ki-tô hữu của con, con sẽ không xin Chúa giúp con điều gì khác ngoài việc biết say sưa chiêm ngắm tình yêu thương xót Chúa biểu hiện nơi Thập Giá, cách riêng mỗi lần cử hành cách sinh động Thánh Lễ, là mầu nhiệm tự hiến Chúa dành cho chính con. Làm sao để, càng chiêm ngưỡng và cử hành Đức Ki-tô - ‘Người Sa-ma-ri Thập Giá nhân hậu’, con càng biết sống và thực thi tình yêu cận thân cách chân thành và quảng đại hơn nữa. A-men

Các bạn thân mến,
Tuần tĩnh tâm tôi đang hướng dẫn tại Trung Tâm Caritas Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp. Cầu xin Thần Khí Chúa tác động để anh em khám phá ra con đường tinh yêu phong phú Chúa dành cho anh em.
Xin gửi tới các bạn bài suy niệm CN XV thường niên mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thập Giá, mà theo cách nói của Mother Teresa of Calcutta thì đó là một minh chứng 'không tình yêu nào lớn lao cho bằng" (the Cross = No greater Love). Còn tôi lại cho là: cánh cửa rộng mở (the Cross= the wide opened gate to the Divine Mercy) để đi vào lòng Chúa xót thương, cả về hiểu biết nhưng nhất là để kín múc.
God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top