Suy niệm
Tin Mừng Ga
14:3-29
Tại sao lại tỏ mình ra cho con?
Trong bài diễn từ tiễn
biệt rất dài (từ cuối chương 13 cho tới hết chương 17 của Phúc âm Gio-an) Đức
Giê-su đã mất nhiều công sức để chấn an các môn đệ Người; chắc hẳn lúc đó các
ông đang trong rơi vào tình trạng rất bồn chồn lo lắng, tương tự như một nhóm học
sinh gần tới ngày ra trường phải ôn thi: các ông mong ghi nhớ hết mọi lời Thầy
dạy, nhớ tới từng chi tiết, nhưng lại có nguy cơ quên mất điểu hệ trọng chính yếu
nhất; và điều chính yếu đó không phải là những bài học từ chương về các điều Thầy
dạy dỗ, nhưng là bộc lộ bản chất đích thực của Thầy Giê-su – Lời tối hậu của
Thiên Chúa. Việc bộc lộ này rõ ràng chỉ dành cho các môn đệ là những người thâm
tín đã theo Thầy suốt bằng ấy năm: “Thưa
Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế
gian?” Nếu nắm bắt được nội dung lời trăn trối này, chúng ta sẽ có cơ may
thấu hiểu được cái cỗi lõi của niềm tin Ki-tô hữu chăng?
Nắm giữ Lời là điều tối
quan trọng trong việc duy trì tương quan với Thầy Giê-su, kể cả khi Người đã ra
đi: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy…Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Lời đó
chắc chắn không chỉ đơn thuần là các bài thuyết giảng mà Người đã từng tuyên
giáo trên khắp các nẻo đường xứ Ga-li-lê và Giu-đê trong ròng rã ba năm trời;
trong số đó có những bài thật ý nhị và độc đáo, chẳng hạn bài bàn về các mối
phúc hay các câu chuyện dụ ngôn…; thế nhưng, cho dầu có tuân giữ được mọi lời Ráp-bi
Giê-su giảng dạy đi nữa, thì điều đó cũng đâu có thể làm cho “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.
Lời đây hẳn là một điều gì rất đặc biệt mà Người đã từng khảng định: “không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa
Cha, Đấng đã sai Thầy”. Lời mà Người nhân danh Chúa Cha đến trần gian để
nói lên cho bằng được, và chỉ có thể nói cho các môn đệ thâm tín nhất là những
kẻ đã tin theo Người mà thôi.
Tuy nhiên Lời này sẽ không
hề dễ hiểu, ngay cả đối với các môn đệ! Hồi đó, cho tới lúc Thầy Giê-su sắp ra
đi, các môn đệ vẫn luôn cảm thấy khó chấp nhận bài học này: mỗi lần Thầy Giê-su
đề cập tới sự tự hiến Thập Giá và đau khổ mà Người sẽ phải chịu tại
Giê-ru-sa-lem, không một ai trong số họ không lớn tiếng phản đối, can ngăn. Nhất
là khi Người khảng định: ai nhìn thấy Thầy tự hiến là nhìn thấy Chúa Cha, nhìn
thấy vinh quang đích thực của Cha… thì không một môn đệ nào có thể hiểu nổi
(xem Ga 14:8-11). Đức Giê-su biết rất rõ điều đó; cần phải có một can thiệp đặc
biệt, can thiệp của Thần Khí; các môn đệ cần tới một đấng Bảo Trợ, Đấng “sẽ được sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy
anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Phải, để hiểu được Lời của Giê-su Thập Giá, hiểu được Tình Yêu tự hiến và cứu đô
của Thiên Chúa, dứt khoát cần tới sự can thiệp của Thánh Thần. Người thường thì
chỉ có thể hiểu được các lời khuyên dạy, các câu chuyện dụ ngôn, các lời dạy dỗ
đầy khôn ngoan từ miệng Ráp-bi Giê-su phán ra, nhưng để hiểu chính con người và
hành động của Giê-su Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, nhất là khi Lời đó được vang
lên, không phải trên bục giảng mà là trên Thập Giá, thì trí khôn con người, cho
dầu có xuất chúng tới mấy đi nữa (kể cả bộ óc kỳ tài như Albert Einstein chẳng hạn), cũng không thể nào nắm bắt được.
Ồ, thật vậy sao? Ngay cả
một Linh mục lớn tuổi như tôi mà vẫn cứ đinh ninh rằng: để hiểu và giữ lời Chúa
thì chỉ cần một chút thông minh, một chút thiện chí; và thông minh - thiện chí cũng
là điều tôi vẫn thường lớn tiếng đòi kêu gọi anh chị em tín hữu phải có. Có lẽ
chính vì thế mà, cho tới giờ này, tôi có thấu hiểu gì về Lời Tình Yêu - Thập
Giá đâu… và các giáo hữu nghe tôi giảng có lẽ cũng chẳng hiểu được gì hơn! Tôi
chăm chú suy tư, lo đọn bài giảng hơn là dành thời giờ cầu nguyện, lo trình bày
cho khôn khéo hơn là tin tưởng vào tác động của Đấng Bảo Trợ đang ngự trong tâm
hồn các tín hữu; trên tòa giảng, tôi lo tạo ấn tượng trên các thính giả của
mình, hơn là tìm cách đóng trên họ dấu ấn của Thần Khí.
Và dấu ấn của Lời đó
trong Thần Khí thì thật rõ ràng: “Anh em
đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi… Thầy để lại bình an cho anh em… Thầy ban cho
anh em bình an của Thầy”. Lời Thầy Giê-su – Lời Thiên Chúa xót thương không
bao giờ là lời đe dọa; Lời đó không tạo áp lực ép buộc, cũng chẳng tạo căng thẳng
lo âu! Lời Thầy Giê-su sẽ luôn lan tỏa an bình, thư thái cho cả những tâm hồn
đã phạm phải những tội tầy trời nhất; “Ta
không kết án, hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!” Nếu vậy, tôi - một linh
mục của Đức Ki-tô có thật sự mang Lời bình an này tới tâm hồn mọi tín hữu, nhất
là những tâm hồn chìm đắm trong tội lỗi đang rất cần tới Lời an ủi hơn bất cứ
điều gì khác? Và để làm được điều đó: không một ai khác có thể giúp tôi, hơn là
Thánh Thần, Đấng ủi an.
Lạy Chúa Giê-su là Lời đích thực của Thiên Chúa Cha giầu
lòng xót thương, xin đổ Thần Khí xuống trên con, để con hiểu được Lời Tình Yêu,
nhất là mỗi khi con cử hành Thánh Lễ. Nếu chính con chưa một lần hiểu và giữ được
Lời Tình Yêu đích thực, nhất là qua biểu lộ của Thánh Thể - Thập Giá, thì làm
sao con có thể mở miệng loan truyền Lời Chúa cho anh chị em tín hữu? Có thể con
đã giảng lời Giê-su quá nhiều, nhưng
đã giảng Lời-Chúa quá ít. Xin chỉnh
đốn tình trạng thiếu xót trầm trọng này nơi con! Xin đổ tràn ngập tâm hồn con
thứ bình an độc đáo của Chúa, phát xuất từ cảm nghiệm bản thân về lòng Chúa Xót
Thương, để con - linh mục của Chúa cũng
có thể loan báo và thông truyền Tin Mừng đầy an ủi này cho mọi người, nhất là
cho các tội nhân bất hạnh và bị đọa đầy. A-men
God bless
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc