Suy niệm
Tin Mừng Ga
10:27-30
Mục tử và chiên phải như thế nào?
Phúc âm Gio-an triển
khai đề tài Mục Tử nhân lành trong bầu khí căng thẳng của cuộc tranh luận giữa
Đức Giê-su và những người lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, đặc biệt các người
thuộc nhóm Pha-ri-sêu. Sau những khảng định về khác biệt căn bản giữa mục tử
làm thuê và mục tử chân chính (Ga 10:1-18), Đức Giê-su long trọng công bố các yếu
tố chính yếu trong tương quan giữa Người với các kẻ tin vào Người, giữa vị Mục
Tử tốt lành với các chiên được trao cho Người chăn dắt. Chúng ta cùng suy niệm
từng điểm một:
Về người Mục Tử:
-
“Tôi biết chúng”. Rất ít ai đề cập sâu rộng
tới cái ‘biết’ của Người Mục Tử nhân lành đối với chiên của mình. Người không
chỉ biết số lượng (100 con), 99 con ở lại
trong dàn và 01 con đi lạc. Người biết từng con chiên của mình trong tất cả tốt
xấu, mạnh yếu, những thiện chí và ác ý, những nỗ lực và sa ngã... Người rành về
chiên, có lẽ, còn hơn cả chính chiên biết về mình. Nhưng sự ‘biết’ này khác xa
một giám thị soi mói, một cảnh sát rình rập, một quan tòa xét xử. Nó giống như
cái biết của một bà mẹ âu yếm đối với đứa con dại khờ của mình, cái biết của
người cha trước các thất bại của đứa trẻ ngây ngô . Đó chính là cái ‘biết’ của người
Mục Tử nhân lành chăm sóc và tự hiến cho từng con chiên của mình.
-
“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi… Không
ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Lời khảng định của Mục Tử thật tuyệt
đối; nó có nghĩa là, ‘tôi sẽ dùng hết sức mình để giữ chiên lại, để bảo vệ
chiên’. Và Người không làm điều này chỉ vì mình mà thôi, mà còn làm nhân danh
Chúa Cha, với tất cả uy quyền của Cha. Người không dùng thừng chắc để cột chiên
lại, không xây chuồng, gài then để canh phòng, không rào cao, dậu dày để ngăn
chặn. Người dùng chính tình yêu thương tha thứ và nhân ái để bao bọc. Dây cột,
rào dậu duy nhất của Người là hiến mình trên Thập Giá. Và đó cũng chính là uy
quyền của Chúa Cha, vì “Tôi và Chúa Cha
là một”.
-
“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời… không bao
giờ chúng phải diệt vong”. Công việc và kết quả hoàn toàn nằm trong tay Mục
Tử. Người chủ động và quyết đoán tất cả. Người đảm bảo và tuyệt đối quyết tâm
chu toàn như một ủy thác tối hậu từ Cha: “Cha
tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả…”
Về phía
chiên:
-
Hình
như không đòi một điều kiện tương xứng nào, ngoại trừ “ Chiên
nghe tiếng… chiên theo tôi”.
Người ta vẫn thường giải
thích, ‘nghe và theo’ chính là chấp nhận và thi hành những điều Chúa và Hội
Thánh dạy bảo. Nói như thế vì người ta hay hình dung Mục Tử như một nhà thuyết
giảng luân lý, đạo đức, đứng trên bục dạy dỗ…, và chiên là những tín hữu ngoan
ngoãn cúi đầu lắng nghe. Không, dứt khoát không phải vậy! Mục tử nhân lành
không coi dạy dỗ là nhiệm vụ chính: Giê-su là (Ngôi) Lời trước hết trong chính bản
thể của mình, trong đời sống và cái chết của mỉnh. Chiên chỉ thật sự nghe tiếng
Người khi chiêm ngắm Người trên thập giá và sống lại! lúc đó chiên nghe thấy và nhận ra Lời tình
yêu nhân ái của một Thiên Chúa cứu độ giầu lòng xót thương. Qua việc lãnh nhận
bí tích Rửa Tội, chiên quyết bước đi trong niềm tin vào Lời tình yêu giáng thế.
Và cứ thế suốt đời tiến bước theo vị Mục Tử nhân hậu đã tự hiến trên Thập Giá. Rồi
chỉ cần có thế, là chiên được bảo đảm sự sống đời đời và không bao giờ phải diệt
vong; dẫu có tội lỗi và bất toàn tới đâu; nhưng nếu đã tin nghe Lời nhân lành
và quyết tâm bước theo Mục Tử tự hiến nhân hậu, chiên sẽ được Người vác lên vai
và đưa về ràn (thậm chí không cần bước đi). Phải chăng Ki-tô hữu trước nhất phải
là những chiên như thế?
Cách nói này của Đức
Giê-su quả đã gây sốc cho các Pha-ri-sêu, những đôi tai và con tim chỉ biết có
mẫu mục tử do Mô-sê phác họa (rất ngay chính và cương trực của Cựu ước, nhưng chẳng
có nét gì là từ nhân như diện mạo đấng Mê-si-a được các ngôn sứ loan báo sau
này). Thế nhưng xem ra cách nói này vẫn còn tiếp tục gây sốc cho cả nhiều mục tử
(linh mục) của Giáo Hội hôm nay, đặc biệt trong chính cái công việc mà các ngài
vẫn thường gọi với cái tên rất cao đẹp ‘mục vụ’, là chăm sóc các linh hồn như
người Mục Tử nhân lành.
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc