Truyền giáo hay rao giảng Tin Mừng?
Dầu đã được trực tiếp
tham gia vào công tác ‘truyền giáo’ trong thời gian 02 năm tại Mongolia, nhưng
khi được nhiều bạn gửi ‘mail’ khuyến
khích viết bài suy niệm nhân Khánh Nhật Truyền Giáo, tôi vẫn cảm thấy ngại
ngùng. Lý do là vì suy nghĩ của tôi sau thời gian ‘truyền giáo’ trở về đã bị
thay đổi nhiều quá; tôi cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong suy tư, cũng như hụt
hẫng trong truyền đạt về đề tài này. Cuối cùng thì sáng nay trong thánh lễ, sau
khi lắng nghe lời chia sẻ của các tập sinh, tôi đã quyết định viết, nhưng không
phải cho ai khác mà là viết cho chính mình đấy thôi.
Tôi nhớ là: năm 2003, sau
khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh cuối cùng, tôi vẫn chưa có một định hướng rõ rệt
nào cho tương lai phục vụ của mình. Vì Bề Trên trung ương rộng phép cho tôi được
hưởng một năm bồi dưỡng tại bất cứ đâu…, nên tôi đã quyết định xin có một năm trau
dồi thêm kiến thức về tu đức, và học hỏi về các tôn giáo thế giới tại đại học Berkeley - California (Hoa Kỳ); chính
trong thời gian này mà tôi đã đi tới quyết định xin bề trên cho phép đi truyền
giáo tại Mongolia (Mông Cổ), nơi mà tôi
đã lui tới nhiều lần trong thời gian, với tư cách giám tỉnh, thành lập các cơ sở
truyền giáo cho anh em tỉnh dòng Don Bosco Việt Nam. Hơn nữa, trước khi lên đường
đi Mongolia, tôi còn được tham dự một
khóa học ba tháng chuyên đề về truyền giáo học tại đại học Universitá Pontificia Salesiana – Roma; ấy thế mà khi thực sự tới
và làm việc trực tiếp tại một nơi truyền giáo ‘Ad Gentes’ thứ thiệt như Mongolia,
cái kinh nghiệm ‘truyền giáo’ tuy còn rất nông cạn và bé nhỏ mà tôi đã thủ đắc
được trong thời gian ngằn ngủi này đã đủ để làm đảo lộn (upside down) mọi suy nghĩ trước đó của tôi về lãnh vực này.
Trước hết, tôi thấy mình
dị ứng ghê gớm với cái từ ‘truyền giáo’ thông dụng, vì thấy nó quá mập mời dễ
gây hiểu lầm. Nếu truyền giáo hàm ý làm cho một người ‘không có đạo’ được rửa tội
để gia nhập đạo Công giáo theo nghĩa ‘cải đạo’ (proselytism), thì rõ ràng là ta đã hiểu sai ẩn ý của Đức Ki-tô mất
rồi. May mắn thay nội dung này đã chính thức bị Công Đồng Va-ti-can II phế bỏ! ‘Missio’ phải được hiểu là sứ vụ được sai
đi (‘thừa sai’) để ‘rao giảng Tin Mừng’ (evangelisare),
có nghĩa là để loan báo Tin Mừng cứu độ, để loan truyền tình yêu thương xót của
Thiên Chúa đã từng được Đức Ki-tô Giê-su thực hiện trong cuộc sống của Người, đặc
biệt qua cái chết Thập Giá. Quan niệm cho rằng: ai đó phải gia nhập đạo, phải
được rửa tội, thì mới được hưởng nhờ lòng nhân ái cứu độ của Thiên Chúa là một
sai lầm lớn. Lòng thương xót và ơn cứu độ đã được Chúa ban cho hết thảy mọi người
cách vô điều kiện (xem thư Rô-ma chương 5). Như thế ‘Loan báo Tin Mừng’ không
làm gì khác hơn là mở mắt cho người ta nhận biết rằng họ đã được hưởng ơn cứu độ
và lòng thương xót, nhờ vào sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô Giê-su; và một khi họ đã tin nhận điều đó, ta mời gọi
họ gia nhập cộng đoàn tín hữu để cùng chúng ta dâng lời cảm tạ tri ân lên Thiên
Chúa về hồng ân vĩ đại đó.
Một suy nghĩ khác mà tôi
cảm thấy rất ‘dội’ đó là: nếu không có ai đi truyền giáo thì các dân ngoại sẽ mất
linh hồn hết…, rằng nhà truyền giáo là những người mang ơn cứu độ tới cho kẻ
ngoại…, rằng ơn cứu độ lệ thuộc vào một lối sống được xây dựng trên nền ‘luân
lý Ki-tô giáo’ mà ta sẽ mở mắt cho họ biết, để rồi, nhờ nắm giữ cặn kẽ các qui
định, luật lệ đó, họ sẽ được vào hưởng nước thiên đàng. Thiết tưởng: khi Đức
Ki-tô sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Người đâu có ám chỉ điều này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan
báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Ngay câu nói: ‘Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” đâu có nghĩa là, chính phép
rửa sẽ ban ơn cứu độ! Nhìn vào chính Đức Giê-su ta sẽ thấy: Tin Mừng của lòng
thương xót cứu độ vẫn có thể được rao giảng và mời gọi ngay cả một người nữ
Sa-ma-ri đang sống chung chạ sau năm đời chồng. Khi còn ở Mongolia, cha sở nhà thờ chính tòa Ulaanbataar, một nhà truyền giáo người Ca-mơ-run, xin tôi dạy giáo
lý cho một nhóm sinh viên. Ngài muốn tôi dạy theo chương trình giáo lý tân tòng
mà ngài đã soạn sẵn, khởi đầu bằng nội dung thập giới của Chúa và lục giới của
Hội Thánh… Ngài căn dặn: đó là các điều kiện tiên quyết để gia nhập đạo hầu được
rỗi linh hồn… Tôi đã quyết định không áp dụng chương trình đó, xác tín rằng
‘truyền giáo’ tiên quyết phải là rao giảng Tin Mừng, mà Tin Mừng chính là cho mọi
người nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ toàn thể nhân loại. Tôi dọn một
chương trình riêng, trong đó tôi phân tích cho các sinh viên Mongolia
hiểu ra rằng: Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô yêu thương họ, không như các thần
linh đạo Shaman của người du mục,
luôn gieo rắc sợ hãi kinh hoàng khắp nơi. Thế đấy, cái kinh nghiệm rất cụ thể của
tôi về sự khác biệt quá lớn giữa ‘truyền giáo’ và ‘loan báo Tin Mừng’ đại loại
là như thế.
Từ cái kinh nghiệm ‘thừa
sai’ còn rất thô thiển tại Mongolia
tôi đã học được một bài học cơ bản: Thiên Chúa, không biết từ thuở nào, đã yêu
mến và cứu chuộc các người Mông Cổ du mục sinh sống trên vùng thảo nguyên lạnh
giá mênh mông tại Trung Á. Cuộc sống du mục nay đây mai đó của họ, với văn hóa
và các truyền thống từ bao đời, cho dầu có nhiều điểm khác biệt với nền ‘luân
lý Ki-tô giáo’ mang tính định canh định cư của lịch sử, vẫn không hề tách họ ra
khỏi lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang chủ động thực hiện nơi họ nhờ Đức
Ki-tô Giê-su. Công việc của một ‘thừa sai’ như tôi đích thị phải là rao giảng
Tin Mừng, là loan báo cho họ biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ trong chính lối
sống và văn hóa của họ…, đồng thời mời gọi họ tin vào Đức Ki-tô Giê-su Cứu
Chúa…, mời gọi họ lãnh nhận phép thánh tẩy… và gia nhập vào Hội Thánh là cộng đoàn
những người nhận biết Thiên Chúa từ ái và yêu thương để không ngừng cất cao lời
cảm tạ. Và cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều còn quan trọng hơn nữa là: một
‘người loan báo Tin Mừng’ trước hết phải chính mình có cảm nghiệm sâu sắc về
lòng thương xót cứu độ của Chúa. Cảm nghiệm này chính là nền tảng của việc được
sai đi, là sức mạnh trong khiêm tốn phục vụ, là hy vọng không hề suy chuyển trước
các khác biệt và thách đố, và là chương trình và hành động trong sứ vụ thừa sai.
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc