0


Mơ ước thiên đàng hay chiêm ngắm Đức Ki-tô thập giá?
”Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”; thiết tưởng theo tư duy tự nhiên, thì lời khẩn cầu của hai anh em nhà Dê-bê-dê rất chính đáng. Phải chăng rất nhiều người chúng ta cũng đã từng có những ước muốn ‘chính đáng’ tương tự; chúng ta đã chẳng mơ ước được một chỗ cao sang trên thiên đàng, được giầu công nghiệp trước mặt Chúa, được phần thưởng trọng hậu là gì? Các môn đệ khác, chứ không cứ gì hai anh em, cũng đã không ít lần bàn cãi về chuyện đó, xem: “ai sẽ là người lớn nhất trong nước trời”. Trước thao thức của các ông, hình như Đức Giê-su muốn nhắc nhở rằng: công nghiệp hay chỗ cao trên thiên đàng là việc dành riêng cho Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”, môn đệ chân chính không nên quan tâm tới. Nếu hiểu đúng ý Đức Giê-su, thì điều duy nhất cần quan tâm trong việc sống Tin Mừng sẽ chỉ là theo sát Đức Ki-tô Thập Giá, và theo cho tới cùng, là “Uống chén thầy sắp uống, chịu phép rửa thầy sắp chịu”.
Trước hết, Ki-tô hữu chúng ta cần biết rõ: ‘chén của Thầy, phép rửa của Thầy’ là gì;  trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã nhiều lần cảnh báo các môn đệ về cuộc thương khó và phục sinh sắp xảy ra (xem Mc 10:32-34), tuy nhiên bài học này lúc đó hình như các ông không kham nổi, đơn giản là vì các ông không thể hình dung nó sẽ ra sao? Ki-tô hữu chúng ta ngày nay thì không lạ lẫm gì về diễn biến Thập Giá, khi Đức Giê-su (Lời Thiên Chúa) tự hiến để phục vụ lợi ích thiết thực của con người nhân loại tội lỗi. Thập Giá là bằng chứng thuyết phục rằng: Người đến không phải để luận phạt theo lẽ công bình, mà để hiến mình cứu độ, qua đó chỉ cho mọi người thấy một Chúa Cha vô cùng nhân ái; chính vì vậy mà, trước cuộc thương khó, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một biểu tượng của hạ mình phục vụ để thanh tẩy và tha thứ (xem Ga 13). Qua hành động này, Đức Giê-su chắc hẳn không nhằm dạy các môn đệ mình một ‘chiến thuật’ để chinh phục và cai trị thiên hạ, như Lão tử - nhà hiền triết Trung Hoa đã từng vịnh rằng:”Sông, biển để làm gì, để cai trị trăm ngàn thung lũng? Nó đặt mình nằm dưới tất cả và vì thế nó cai trị hàng trăm thung lũng. Nếu thánh hiền muốn làm đầu dân tộc hãy học nói năng cho khiêm tốn. Nếu muốn lãnh đạo dân hãy đặt mình vào chỗ rốt hết”; Những lời khôn ngoan thật đấy, nhưng đâu phải là Tin Mừng!
            Môn đệ là những người ‘theo Đức Ki-tô’, vì thế họ có thể tự hào: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo thầy” (Mc 10:28). Nhưng họ cũng cần hiểu rằng: từ bỏ là để đi con đường Thầy đi, và đó là con đường phục vụ, phục vụ tới độ tự hủy, tới độ hiến cả mạng sống mình; “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Điều khó chấp nhận nhất chính là: sự vĩ đại của Thiên Chúa mà lại đồng hóa với việc cúi xuống phục vụ người thấp hèn. Thầy Giê-su đã làm gương và dạy môn đệ làm theo: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Phải mất một thời gian dài nữa, các ông mới hiểu được điều này; phải đợi tới khi được Thấn Khí tác động, các ông mới dứt khoát “trở nên mọi sự cho hết mọi người…”
Ki-tô hữu chúng ta cũng vậy thôi! Quyết định theo Chúa đấy, nhưng bài học quên mình phục vụ thì mãi vẫn chưa thuộc. Lý do là vì, chúng ta mơ ước quá nhiều về thiên đàng, còn chiêm ngắm Thập Giá thì lại quá ít. Duy nhất Thầy Giê-su mới là đường, là chân lý, và là sự sống! Do đó thiên đàng không phải là cùng đích, nhất là cái thứ thiên đàng mà ta vẫn thường vẽ ra trong đầu. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân ái và xót thương, thì thiên đàng phải là nơi chan hòa nhân ái; bên hữu hay bên tả của Thiên Chúa nhân ái trên thiên đàng đó sẽ chỉ dành cho những ai có lòng thương xót mà thôi; “Phúc thay những ai xót thương, vì họ sẽ đươc Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7).    

Nếu vậy, lạy Cha nhân ái, xin cho con được ngồi bên hữu Cha; không phải vì con đạo đức thánh thiện hơn người, nhưng chỉ vì con nhận biết Cha hằng xót thương những con người yếu hèn, nên sẽ yếu mến sự hèn kém của con. Đặc biệt, thể theo lời mời gọi của Cha, con sẽ quyết tâm chia sẻ lòng thương xót đó cho mọi người, đặc biệt cho các tội nhân thấp kém. A-men
 God blessLm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top