0


Suy niệm Tin Mừng Mt 1:18-24

Tin Mừng vượt trội hơn cả công chính trần gian

Giáng Sinh đã gần kề! và đương nhiên Lời Chúa muốn tường thuật cho chúng ta về các sự kiện, các nhân vật có liên quan trực tiếp tới biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ: Giu-se và Ma-ri-a là những nhân vật rất đáng cho chúng ta chiêm ngưỡng và học hỏi, chính vì các cuộc chiến đấu nội tâm mà các ngài đã từng phải giáp mặt trước các đòi hỏi của Tin Mừng.
Trường hợp Ma-ri-a: được tường thuật cách chi tiết trong biến cố truyền tin, đã được Phúc Âm Lu-ca ghi lại khá tỉ mỉ (Lc 1:26-38), còn tác giả Mát-thêu thì vắn gọn hơn: cô Ma-ri-a – một trinh nữ chưa về chung sống với chồng là Giu-se, đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Đoạn sách tiên tri I-sai-a được trích dẫn chỉ muốn xác định việc con trẻ sẽ hạ sinh là ‘Em-ma-nu-en – Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, có nghĩa là thật sự Người có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Ngay cả đoạn gia phả cũng hầu như có chủ đích cho thấy đấng Ki-tô không phải là con ruột của Giu-se, mà chỉ mong minh chứng Người thực sự thuộc giòng tộc nhà Đa-vít: “…Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của Ma-ri-a, bà là mẹ đức Giê-su cũng gọi là đấng Ki-tô” (Mt 1:16). Cuộc chiến đấu nội tâm của Ma-ri-a, trước khi chưa chung sống với chồng mà đã có con, cũng thật khốc liệt. Hôm nay đoạn Tin Mừng Mát-thêu mời chúng ta tập trung vào trường hợp của Giu-se - nhân vật nam chủ chốt; người sẽ phản ứng ra sao trước biến cố kỳ dị này, chiếu theo các qui định ngặt nghèo của truyền thống và luật pháp Do Thái?
Trường hợp Giu-se: trong cách suy nghĩ thông thường của một người đàn ông Do Thái mẫu mực thời đó, ông dễ dàng chấp nhận việc có con cái nối giòng, theo thói tục được mọi người thời bấy giờ nhìn nhận. Giu-se được gán cho hạn từ ‘người công chính’ (lưu ý: thuộc từ ‘công chính’ được Mát-thêu áp dụng duy nhất một lần trong trường hợp này) chỉ vì luôn hành sử theo đúng luật pháp Mô-sê cách đường đường chính chính. Ông không muốn, mà cũng không thể chấp nhận bất kỳ lối sống nào không phải là công minh chính đại tuân thủ luật Mô-sê. Dầu có kính nể Ma-ri-a tới mấy, nhưng việc vợ ông đã thành hôn nhưng chưa về nhà chồng chung sống, mà đã mang thai là không thể chấp nhận được.  Luật pháp đã tiên liệu cho các ông chồng rơi vào hoàn cảnh này: hoặc tố giác hoặc đơn giản bỏ phế cuộc hôn nhân…, rồi để mặc cho xã hội hành xử theo đúng qui định đối với trường hợp ngoại tình. Tuy nhiên lời sứ thần Chúa đòi ông phải hành xử như một người cha thực thụ: “đón Ma-ri-a vợ ông về nhà.., ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”…; nói cách khác, đòi ông không còn ‘công chính’ theo đòi hỏi của luật pháp nữa. Đó quả là một đòi hỏi quá lớn đối với một người Do Thái ‘công chính’ như Giu-se. Ông phải quyết định: giữa một bên là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đang được khai mở ‘vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ’, và bên kia là sự công chính theo luật pháp của bản thân ông. Và Giu-se ‘khi tỉnh giấc, đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà’, tức là ông đã chấp nhận cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, hơn là theo đuổi sự công chính của xã hội quanh mình.
Trường hợp Ma-ri-a cũng tương tự như thế, khi cô lên tiếng: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Như vậy đối với cả hai: Tin Mừng cứu độ hẳn phải trổi vượt xa sự công chính của luật pháp.
Đúng thế! Thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và biểu lộ được lòng thương xót từ nhân của Người là nhiệm vụ hàng đầu và nội dung lớn nhất của Tin Mừng. Sống công chính theo luật pháp thì mọi người đều phải làm, mỗi thời có một cách sống công chính chiếu theo nền luân lý xã hội chuyển dịch theo thời gian, nơi chốn, văn hóa và truyền thống tuy có giá trị thật đấy, nhưng đứng trước Tin Mừng cứu độ, nó không còn giữ địa vị độc tôn - mục tiêu tối thượng được nữa. Thật vậy: công chính Do Thái đã có từ thời Cựu Ước, tương tự như thế, ‘công chính’ dưới dạng này hay dạng khác cũng đã tồn tại trong tất cả các xã hội và tôn giáo nhân loại. Tin Mừng Hài Nhi Giê-su đem đến trần gian không phải là một thứ công chính luân lý cao đẹp, hoàn hảo hơn các nền công chính khác. Căn cứ vào thái độ của Đức Giê-su khi cư xử với người nữ Sa-ma-ri chung chạ tới sáu đời chồng, với Gia-kêu cầm đầu nhóm thu thuế bất chính, với Mác-đa-la người phụ nữ đàng điếm khét tiếng trong thành, với tên gian phi tử tội cùng bị đóng đinh… thì Tin Mừng cứu độ được loan báo không hề bị ràng buộc bởi các điều kiện luân lý hay công chính theo luật pháp.
Đúng là Mùa Vọng kêu mời ta sám hối, nhưng không phải là thứ sám hối nhằm vun đắp cho ta một cuộc sống luân lý cao đẹp, lành mạnh hơn…, nhưng trước hết là để ta đón nhận cách trọn vẹn hơn Tin Mừng cứu độ. Mùa Vọng là thời gian tôi lắng nghe và đón nhận Thầy Giê-su, không phải vì học thuyết luân lý tuyệt hảo của Người, nhưng vì Người chính là hiện thân của một Thiên Chúa từ nhân. Kỷ nguyên mà Người khai mở không nhất thiết phải là kỷ nguyên của một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều phải trở nên đạo đức thánh thiện; mà tiên quyết phải là kỷ nguyên của lòng thương xót thứ tha, trong đó tội lỗi tuy vẫn tồn tại, nhưng tội nhân thống hối cảm thấy mình được hoàn toàn chấp nhận và yêu thương vô điều kiện.
Là một linh mục, hơn bất cứ ai khác, tôi càng cần xác tín điều này hơn ai hết, để việc mục vụ và loan báo Tin Mừng của tôi đạt được chiều kích mới và đánh đúng trọng tâm!

Lạy thánh Giu-se đấng công chính, xin hãy dạy con đón Hài Nhi Giê-su cách xứng đáng. Xin cho con thấu hiểu rằng: khi sinh ra, Hài Nhi này đã không cần tới giầu sang trần thế cũng như danh giá xã hội; điều duy nhất Người mong đợi là thực hiện cho bằng được chương trình cứu độ từ nhân của Chúa Cha. Xin Thánh Cả dạy cho con biết: xưa chính ngài cũng đã từng phải hy sinh danh thơm tiếng tốt của mình như thế nào để có thể âm thầm cộng tác vào kế hoạch cứu độ, thì nay trong đời sống và công việc mục vụ của mình, con cũng phải  thực hiện cho bằng được cùng một ưu tiên cao đẹp đó. A-men  
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top