0
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:15-20

Tôi thực sự biết gì về Hài Nhi Giáng Sinh?

Đêm qua tôi đã long trọng cử hành lễ Giáng Sinh, thế nhưng tôi tự hỏi: tôi thực sự biết gì về ngày lễ trọng đại mình vừa cử hành?
- Biết nhiều lắm chứ! Tác giả Lu-ca đã tường thuật khá rành rẽ, rồi hang đá các kiểu, rồi hoạt cảnh hoành tráng mà bao lần tôi đã từng tổ chức hoặc được dự khán…, chắc chắn là tôi biết gần như thuộc lòng sự kiện Chúa Giáng Sinh rồi còn gì. Cứ cho là như thế đi! tuy nhiên, nếu có ai đó yêu cầu tôi kể lại cho họ nghe về cái ý nghĩa của đêm ấy thì tôi sẽ nói gì đây? Đặt mình vào trường hợp các mục đồng, ‘Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’, thì liệu có ai ngạc nhiên về điều tôi sẽ kể cho họ về Hài Nhi giáng sinh hay không? Thế nhưng các mục đồng đâu chỉ kể về các điều họ đã được mục kích tại Bê-lem, vì tự nó các điều đó chẳng có gì hấp dẫn cả: ‘họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…’ Dầu chỉ có vậy, nhưng nếu ‘Ai nấy đều ngạc nhiên’ thì là vì…: ‘họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này’. Dầu rất đơn sơ chất phác, nhưng các mục đồng cũng đã biết vượt qua các sự kiện bên ngoài để nhận ra điều Chúa thật sự muốn cho họ biết. “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”. Và điều được tỏ ra đó quả là vô cùng trọng đại, vì nó liên quan tới hết thảy mọi người, tới toàn thể nhân loại: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra!” Và ‘các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa’ vì đã được diễm phúc nhận biết: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
Thế đấy, khi nói về Chúa Giáng Sinh tôi không thể không đề cập tới một Đấng Cứu Độ, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và từ nhân, một Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt. Việc ‘một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, cho dầu bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng lại là một dấu chỉ không thể sai lầm để nhận ra ‘cái thứ’ Thiên Chúa cứu độ đó; và dấu đó quả thực là tài tình và tỏ tường vô cùng: thương xót từ nhân phải đi đôi với đơn sơ thấp hèn, tha thứ cứu vớt phải thật gần gũi và bình dị. Tự thâm tâm, đôi lúc tôi cũng có cảm giác khó chịu về cái thấp kém và nghèo hèn của hang Bê-lem. Chẳng vậy mà, ngay tại chính máng cỏ thấp hèn xưa nơi Hài Nhi đã từng nằm tại Bét-lem, khách hành hương thỏa thuê nhìn thấy một ngôi sao bạc cẩn đá quí lấp lánh trên nền đá cẩm thạch quí giá… để làm cho nó thêm tôn nghiêm trang trọng. Nghèo hèn chỉ là gượng ép, hoặc cùng lắm là lãng mạng đối với một Đức Chúa cao sang, nhưng lại thật tự nhiên và xứng hợp đối với một Thiên Chúa đầy từ nhân và hay thương xót. Các mục đồng đơn sơ chất phác dễ dàng nhận ra điều này, trong khi các bậc quyền quí lại không, và khi‘Họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ’.
Tới trước hang Bê-lem ngay cả các tín hữu cũng được phân làm hai nhóm: nhóm một gồm những người chỉ muốn nhìn thấy một Thiên Chúa vinh quang, tạm ẩn dấu trong hình hài bé thơ, nhưng đòi phải được thờ lạy kính tôn cách trọng vọng như Ngài xứng đáng, còn nhóm thứ hai sẽ gồm những ai nhìn vào ‘trẻ sơ sinh… nằm trong máng cỏ’ để nhận ra lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa cứu độ, và do đó sẽ mừng vui hớn hở ca tụng Người trong chính sự thấp hèn nhỏ bé của Hài Nhi: Ma-ri-a, Giu-se và các mục đồng chắc chắn thuộc nhóm thứ hai này như Lu-ca đã muốn mô tả họ như thế. Như vậy điều mà Thánh Sử Gio-an đã từng khẳng định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không nhận biết Người” không chỉ mang ý nghĩa luân lý của hai hạng người tốt / xấu, nhưng còn chứa đựng một nội dung Tin Mừng phong phú hơn nhiều: nhận biết hay không nhận biết lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ‘Ngôi Lời mặc lấy xác phàm’. Vì nếu mà Người đã đến trong vinh quang huy hoàng của công lý và quyền uy thì có lẽ người ta sẽ dễ đón tiếp hơn trong suy tôn và kính sợ, đàng này người lại chọn đến trong nghèo hèn của nhân từ và tha thứ, và thế là người ta dễ coi thường, quên lãng; sau này chính Đức Giê-su đã phải thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Phải, đúng như thế: những người thông thái khôn ngoan ưa nhìn xem những gì là hợp lý, và nhận ra ngay Thiên Chúa trong sự vinh quang cao cả; còn kẻ bé mọn, nhất là tội lỗi thấp hèn, mới dễ cảm nhận lòng từ ái của Thiên Chúa cứu độ. Họ là những người gần gũi và thoải mái với ‘trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ’ hơn; bởi bì:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5:3).
Vậy thì tôi thuộc nhóm nào trong hai nhóm này đây!

Lạy Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ, mỗi khi con chiêm ngắm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’, xin cho con có khả năng được ‘nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,’ thứ vinh quang mà chỉ những con người bé mọn mới được mạc khải cho biết. Xin cho con biết, như Mẹ Ma-ri-a tại Bê-lem, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’ về tình yêu thương xót và lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa, qua hình ảnh ‘trẻ sơ sinh bọc trong tã nằm trong máng cỏ’, để trong mừng vui và bình an, con cũng có thể chân thành cất lên bài ca ‘Ngợi khen – Magnificat’. A-men






LỄ BAN NGÀY



Năm A – B – C
Suy niệm Tin Mừng Ga 1:1-18

Verbum Dei - Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta

    Lời tựa sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một khảng định quan trọng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả”. Như vậy mọi hiểu biết về Thiên Chúa trước khi Đức Giê-su xuất hiện (Cựu Ước, mọi tôn giáo khác, cũng như các suy luận triết học) đều chỉ là phỏng định; hay nói cách khác, là nhân cách hóa, có nghĩa là người ta dựa phần lớn vào tư duy con người, cho dầu có siêu việt như các triết thuyết; nắm bắt và thấu triệt Thiên Chúa cách chính xác chỉ có thể có được qua sự xuất hiện của Lời Thiên Chúa (Dei Verbum) trên trần gian. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định được Lời đó có nội dung chính xác là gì?
    Một số khảng định liên quan tới Lời - Verbum được Gio-an nêu lên, đó là ‘Lời đã có từ lúc khởi đầu… Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Lời là Thiên Chúa… Lời tạo thành vạn vật… Lời là sự sống, là ánh sáng… Lời hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha’. Tất cả các điều này chỉ qui vào một điểm duy nhất: ‘Lời phản ánh, và là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha’ (xem Dt 1:3; Cl 1:15). Chính Đức Giê-su sau này cũng đã không ngừng lặp đi lặp lại ý tưởng này cho các môn đệ Người, “Không phải là đã có ai thấy được Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46), hoặc “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14:9)
    Lời - Verbum đó ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ là thế! Nếu điều này là đúng thì: từ nay loài người có thể trực tiếp đọc được Lời, nói cách khác, có thể trực tiếp thấy và biết Thiên Chúa. Để làm được điều này, cách duy nhất (và tuyệt đối không còn bất kì cách nào khác) là chịu khó đọc Lời, là chiêm ngắm Lời - Giê-su từ lúc còn mang hình hài một ‘trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ’ (Lc 2:12) cho tới giờ phút cuối cùng của Thập Giá khi ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Ga 19:34). Ma-ri-a là người duy nhất đã có mặt ở cả hai biến cố đó: Mẹ đã cẩn thận đọc Lời – Giê-su trong tư thế chiêm niệm thâm sâu nhất. Và rồi thì Mẹ đã hiểu ra, ‘Thiên Chúa là Đấng cứu độ… hằng thương xót…nâng cao kẻ khiêm nhường… ban cho kẻ khó nghèo đầy dư…’ (Lc 1:47-55). Người môn đệ Gio-an cũng đã theo sát, gần gũi với Thầy Giê-su nên đã có thể đọc được Lời: ‘Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống’ (1 Ga 1:1), và ông đã lên tiếng làm chứng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4:8) và ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…’ (Ga, 3:16); đồng thời quả quyết: “Lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật…” (Ga 19:35).
    Chỉ những ai chân thành đọc Lời, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su với tâm hồn sâu lắng nhất mới có cơ hội nhận biết Thiên Chúa cách đích thực; bằng không ý niệm họ có về Người sẽ mãi mãi là mơ hồ và méo mó. Thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn tự cho là mình biết rõ, biết sâu về Thiên Chúa (các tư tế, Biệt Phái và luật sĩ thời Đức Giê-su ngày xưa, và cũng có thể là các triết - thần học gia ngày nay), thậm chí họ còn mở miệng giảng dạy người khác rằng Thiên Chúa là thế này thế nọ, nhưng lại không cất công đọc Lời - Giê-su, không dành thời giờ chiêm ngắm, gần gũi và kết hiệp với Lời – Giê-su. Những người như thế thì làm sao có thể vỗ ngực cho là mình hiểu biết về Thiên Chúa được; phải chăng chính họ là các tiên tri giả, mà Đức Giê-su đã đề cập tới (xem Mt 7:15-20)! Chẳ trách gì: Thiên Chúa tình yêu đã tạo thành thế gian, nhưng khi Lời tình yêu đến ‘thế gian lại không nhận biết Người’. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh tình yêu của Người, nhưng khi Lời tình yêu ‘đến nhà mình, thì người nhà lại chẳng chịu đón nhận’; họ đã quá quen với cách suy luận của tri thức rồi, thì làm sao nhận ra Lời yêu thương và cứu độ? 
    Tôi vẫn được nhắc nhở phải chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, thế nhưng tôi trộm nghĩ, còn hơn cả mầu nhiệm Giáng Sinh như một biến cố, tôi cần chiêm ngưỡng Giê-su như một ‘người phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta’ với mục đích để biết rõ hơn về Thiên Chúa từ bi nhân ái. Tôi cần biết: Giáng Sinh chỉ là khởi điểm để tôi chuyển động từ một hiểu biết Thiên Chúa vinh quang qua suy luận triết thần, tới Thiên Chúa từ nhân cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô. Giáng Sinh phải bắt đầu nơi tôi một thứ linh đạo chiêm ngắm, đào sâu và kết hiệp với Lời - Giê-su để, như Ma-ri-a, tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng cứu độ và giầu lòng xót thương!

    Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin dạy con biết thinh lặng quì bên máng cỏ và chiêm ngắm Hài Nhi giáng trần; cũng xin giúp con biết ngước nhìn lên Giê-su chết trên thập giá để nhận ra một Thiên Chúa cứu độ đầy từ tâm. Qua việc lần hạt con muốn được cùng Mẹ ghi nhớ mọi điều trong cuộc đời Giê-su và suy niệm trong lòng, hầu biến trọn niềm tin Ki-tô hữu thành một khám phá và minh chứng cho mọi người về ‘Thiên Chúa - đấng cứu độ… hằng xót thương’. Kể từ lễ Giáng Sinh này, xin Mẹ đưa tay dẫn dắt con tiến bước trên con đường chiêm niệm và sâu lắng, mà Mẹ đã từng bước đi. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top