Suy niệm
Tin Mừng Mt 1:1-16.18-23
Lý do mừng sinh nhật
Những năm gần đây, việc mừng sinh nhật (birthday party) ngày càng trở nên phổ biến, điều này đi ngược với nền truyền
thống văn hóa Á Đông xa xưa, vốn không coi ngày sinh không có giá trị nào hết.
Có nhiều lý do giải thích cho việc này.
Ngày xưa ông bà ta không
có lịch biểu rõ ràng, và việc ghi chép ngày tháng cũng không phổ cập và chính
xác; hơn thế nữa ít ai cho rằng: giá trị một con người lại hệ tại ở việc họ đã
được sinh ra và hiện hữu trên trần gian. Giá trị của họ nếu có sẽ hoàn toàn lệ
thuộc vào các thành công hay chức quyền họ đạt được trong cuộc sống sau này. Vì
lẽ đó, không ai kể cả các nhân vật vĩ đại nhất được thiên hạ ghi nhớ bằng ngày
sinh tháng đẻ và được mừng sinh nhật. Nếu Thiên hạ có ghi nhớ và mừng kỷ niệm
biến cố nào đó thì cũng liên quan tới thành công hay chiến thắng họ đạt được.
Riêng về ngày sinh: đầu năm là dịp duy nhất để mọi người cùng nhau ghi nhớ và
chúc tụng về sự kiện được thêm tuổi, và kéo dài cuộc sống thêm một năm nữa.
Ngày nay, ngoài việc
niên lịch trở nên rõ ràng và phổ biến, qua ảnh hưởng niền tin Ki-tô giáo, người
ta đã bắt đều ý thức hơn về giá trị nhân vị của con người: trước cả khi đạt được
một thành tựu nào đó, mỗi người ngay từ lúc lọt lòng mẹ, từ giây phút đầu tiên
hiện hữu nơi trần thế, đã có một quyền sống không ai được hủy bỏ và một giá trị
không thể chối cãi. Người ta mừng ngày sinh nhật là để ghi nhớ và mừng cho cái
giá trị nhân vị đó bất chấp sau này người đó có đạt được thành tựu nào hay
không. Cách khái quát người ta mường tượng cái giá trị đó là: quyền sống, là
quyền con người, là giá trị nhân bản…, tuy nhiên việc xác định cụ thể giá trị
đó là gì, và từ đâu tới không mấy người tỏ ra quan tâm.
Trong truyền thống Công
Giáo, ngày sinh nhật của Đức Giê-su, của Mẹ Ma-ri-a và vị tiền hô Gio-an được mừng
kính, cho dầu những ngày cụ thể được chọn để mừng chỉ là những ước lệ không có
gì là chính xác. Thế nhưng chính điều đó đã soi chiếu một luồng sáng kỳ lạ và mới
mẻ vào vấn đề mừng sinh nhật nêu trên và cho biết lý do thật của việc mừng đó.
Tình yêu cứu độ của
Thiên Chúa làm cho đời sống của hết thảy mọi người, không trừ một ai, trở thành
có giá trị vô song, bất chấp cuộc sống của họ có là thế nào! Ngày hài nhi
Giê-su sinh ra tại Bê-lem chính là khởi đầu của Tình Yêu Cứu Độ; thế nên thật dễ
hiểu ngày đó cần phải được ghi nhớ và mừng cách long trọng hơn hết (par excellence). Trinh nữ Ma-ri-a và
Gio-an tiền hô được mừng ngày sinh cũng chỉ vì có liên quan mật thiết với biến
cố cứu độ mang lại giá trị cho mọi kiếp người đó. Điều đó cũng có nghĩa là: qua
Đức Ki-tô Giê-su hai nhân vật này trước hết rồi tới toàn thể nhân loại không trừ
một ai, đặc biệt các Ki-tô hữu chúng ta, tìm được giá trị đích thực và thâm sâu
nhất của sự hiện hữu mình trên trần gian, bất chấp sau này đời sống có gặt hái
thành công hay chỉ toàn thất bại. Thôn nữ Ma-ri-a tầm thường là người trước nhất
nhận ra sự vĩ đại vô song của cuộc sống hèn
mọn mình trong tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả… Hết mọi đời sẽ khen
tôi diễm phúc”. Dưới tác động của Thần Khí, Ma-ri-a là người đầu tiên nhận
biết giá trị đích thực của mọi cuộc sống, dầu thấp hèn nhất, giá trị xuyên suốt ‘đời
nọ tới đời kia…’ chỉ tìm thấy nơi
‘Thiên Chúa hằng thương xót’ (xem Lc
1:46-55). Một khi Chúa đã thương xót và cứu độ thì mọi kiếp sống con người sinh
ra trên trần thế đều có giá trị hết hết thảy; “Hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này” (Mt
18:10). Theo Cựu Ước người ta có lý do để trân trọng sự sống vì biết rằng: mỗi
người đều được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. Còn theo Tân Ước, chúng ta tôn trọng
kiếp người vì tin rằng: mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc
nhờ Đức Ki-tô Giê-su Cứu Chúa.
Mừng sinh nhật của Trinh
Nữ Ma-ri-a thực ra, đó là mừng sinh nhật của mỗi chúng ta! Khi mừng giá trị cao
đẹp của giờ phút khởi đầu cuộc sống của Trinh Nữ Ma-ri-a, thực tế là ta đang mừng
giá trị tuyệt vời của kiếp sống làm người của hết thảy mọi người được sinh ra
trên trần gian, cách riêng các Ki-tô hữu. Trong niềm tin Ki-tô hữu khi mừng
ngày sinh nhật Mẹ, tôi không mừng kính một biệt lệ: mừng ngày Ma-ri-a được sinh
ra chỉ vì ngài là một nhân vật rất đặc biệt đã nhận được những hồng ân cao quí
hơn bất kỳ ai khác. Không! qua việc mừng kính này tôi đang mừng cho lẽ sống của
riêng tôi, và của toàn thể nhân loại. Tôi đang mừng kính tình yêu nhân ái cứu độ
của Thiên Chúa là cội nguồn và nền tảng cho giá trị đời sống mỗi con người. Và
thiết nghĩ: ai càng có kiếp sống không ra gì đầy những đổ vỡ hay thất bại, càng
bê tha tội lỗi, thì lại càng cần phải mừng lễ này; để có thể nhận ra giá trị
duy nhất của cuộc sống mình là hoàn toàn dựa trên tình yêu cứu độ đầy xót
thương của Thiên Chúa.
Trước đây có những lúc
tôi lên án việc mừng sinh nhật đang dần trở thành phổ biến trong thế hệ con
cháu. Tôi cho rằng đó là biểu hiện lạm dụng của chủ nghĩa nhân vị đề cao cá
nhân cách thái quá (personalism), và
của khuynh hướng tiêu thụ (consumerism)., hay thói đua đòi lối sống lai căng của
nền văn hóa Âu-Mỹ. Hôm nay tôi khám phá ra rằng: nếu Hội Thánh có mời gọi tôi
dành ra một số ngày để cử hành sinh nhật các đấng: Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a và
Thánh Gio-an Tiền Hô, không hẳn chỉ để tôn kính các ngài, nhưng còn vì lợi ích
của chính tôi - Ki-tô hữu, và của hết thảy mọi người trên trần gian này, nhất
là những ai đang chịu số phận hẩm hưu, tang thương và hèn kém nhất. Ôi tôi mong
biết bao hết thảy mọi người được cùng tôi mừng lễ này!
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc