Suy niệm
Tin Mừng Lc 16:19-31
Hố ngăn cách giầu nghèo
Chương 16 câu 26 của Tin
Mừng Lu-ca khảng định: có một cái hố ngăn cách “Giữa chúng ta đây và các anh có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn
qua bên các anh cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được”.
Một trong các mục tiêu của dụ nôn ‘ông phú hộ sang giầu và tên La-da-rô nghèo
khổ’ là: cho thấy cái hố này sâu tới mức nào. Cái hố ngăn cách giầu nghèo được
đề cập tới trong câu truyện dụ ngôn này không thể được hiểu theo định hướng kinh
tế xã hội, cách mạng chính trị, ý thức hệ, thậm chí theo nội dung luân lý đạo đức.
Ở đây liên tục với nội dung trước đó của chương 16, Lu-ca muốn diễn đạt ý nghĩa
Tin Mừng là điều duy nhất Đức Giê-su muốn rao giảng.
Khác hẳn với luật lệ của
Cựu Ước nặng tính luân lý và đạo đức, trong đó quan trọng nhất là việc trung
thành giữ luật, thì theo Tin Mừng Tân Ước, mạc khải tình yêu nhân hậu tha thứ của
Thiên Chúa mới là điều quan trọng nhất cần phải là được đón nhận. Theo Cựu Ước,
thiên đàng - hỏa ngục là phần thưởng - hình phạt dành cho người tốt / kẻ xấu,
người trung thành giữ luật / kẻ bất trung phá luật, người đạo đức / kẻ khô
khan, người thánh thiện / phường tội lỗi. Còn theo Tân Ước, được vào Nước Trời
là được hưởng trọn tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa từ nhân (‘La-da-rô trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham’ là
một điển hình), sẽ dành cho những ai đã từng biết đón nhận khi còn sống; còn bị
loại ra khỏi Vương Quốc tình yêu đó (bị cực
hình, bị lửa thiêu đốt) là số phận của những ai khi sống đã từ chối đón nhận
tình yêu tha thứ này. Khi Đức Giê-su tuyên bố: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của anh em…
khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải
đói” (Lc 6:20.25) chắc hẳn Người đang công bố nội dung Tin Mừng này.
Như vậy, cái vực thẳm lớn
vĩnh viễn ngăn cách việc tiếp nhận hay khước từ Tin Mừng cứu độ chỉ có thể xuất
hiện sau khi chết; ‘người nghèo này chết…Ông
nhà giầu cũng chết’; thế nhưng, ngay từ cuộc sống trần thế, nó đã khởi sự được
hình thành; ‘người nghèo khó… nằm trước cổng
ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no’.
Cái hố ngăn cách của tiếp nhận hay chối từ Tin Mừng cứu độ được hình thành và
phát triển dựa vào định hướng trái chiều giữa giầu và nghèo trong nội dung Tin
Mừng. Đó là lý do khiến Đức Giê-su nhiều lần lên tiếng cảnh giác sự giầu sang đồng
thời tôn vinh nghèo khó, Người hoàn toàn trung thành với viễn cảnh đón nhận
Vương Quốc tình yêu cứu độ.
Trong dụ ngôn, nếu ông
nhà giầu chỉ ‘mặc toàn lụa là gấm vóc,
ngày ngày yến tiệc linh đình’, thì đâu ông có làm gì nên tội để đáng bị cực
hình thiêu đốt; cũng vậy, nếu La-da-rô chỉ ‘nghèo
khó… mụn nhọt đầy mình…’ thì đâu có làm nên công trạng gì để đáng được ‘thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham’.
Chi tiết mô tả ông nhà giầu gợi ta nhớ đến cái cảnh ‘được no nê’ thỏa mãn đâu
cần được ai thương xót; còn người
nghèo khó ‘thèm được những thứ trên bàn
ăn rớt xuống… chó đến liếm ghẻ chốc’ chính là thái độ mong đợi, cầu xin được
xót thương. Đối với Tin Mừng, giá trị đích thực của giầu nghèo là ở chỗ đó: sống
giầu dễ đưa tới tự mãn để không cần tới lòng xót thương (khốn cho), còn sống nghèo tạo điều kiện tự nhiên để mở ra đón nhận
lòng thương xót (phúc thay). Nếu cứ
tiếp tục ‘sống giầu’ như thế (trường hợp ông nhà giầu), và nếu cứ tiếp tục ‘sống
nghèo’ như thế (trường hợp La-da-rô) thì việc bị loại khỏi hay được đón nhận
vĩnh viễn vào Nước Trời sau khi chết sẽ chỉ là chuyện đương nhiên. Lúc đó thì
cái hố ngăn cách giầu nghèo sẽ không còn gì có thể lấp đầy được (vẫn theo nghĩa
Tin Mừng); “vực thẳm lớn đến nỗi bên này
muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng
không được”.
Giầu - nghèo, trong học
thuyết Tin Mừng của Đức Giê-su, chỉ là hoàn cảnh/điều kiện nghịch hay thuận để
đón lấy Nước Trời cứu độ; do đó “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Đức Giê-su sống thân
phận nghèo khó như ‘con cáo có hang, chim
trời có tổ, Con Người không có lấy hòn đá gối đầu’ là để Người rộng mở hoàn
toàn cho Vương quốc của Cha. Và Người kêu gọi bất cứ ai muốn theo Người cũng
hãy “bán đi hết những gì mình có và bố
thí cho kẻ khó…” để có điều kiện thuận lợi mở tâm hồn đón nhận lòng thương
xót cứu độ của Thiên Chúa. Ki-tô hữu, vì là người của Tin Mừng, phải luôn cảnh
giác với cuộc sống giầu sang vì mối nguy cơ nó tiềm ẩn, nhưng phải vui mừng ôm ấp
sự nghèo hèn đói khát chính vì thuận lợi Tin Mừng nó cống hiến. Nếu họ có giầu,
thì chí ít họ cũng biết nhận ra ‘con đã
nhận được phần phước của con’, tức là hồng ân của lòng từ bi Chúa, để biết
khiêm tốn tạ ơn; còn nếu nghèo khổ thì ‘suốt
một đời chịu toàn những bất hạnh… thì được an ủi nơi đây’, để vui mừng và
hy vọng.
Đó chính là Tin Mừng
đích thực đang được rao giảng cho những người nghèo khó (được hiểu dưới mọi
khía cạnh)!
Lạy Thiên Chúa là Cha! Đức Giê-su đã dạy chúng con cầu nguyện
cùng Cha. Những điều con cầu xin Cha có thể là vô vàn và rất khác nhau vì con
có quá nhiều nhu cầu cả về phần xác lẫn phần hồn, tuy nhiên con biết rất rõ: điều
chính yếu trong cầu nguyện chính là tư thế khó nghèo của con. Xin Cha nhận lời
cầu nguyện của con, không phải để thỏa mãn những điều con xin, nhưng là chấp nhận
thân phận đớn hèn con mong hướng về Cha. Và xin Cha gìn giữ con luôn mãi trong
sự nghèo hèn của mình để không ngừng hướng lòng con về tình nhân ái Cha. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc