0


Suy niệm Tin Mừng Lc 15:1-32

Phải ăn mừng, phải vui vẻ!

Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư cảm thấy khó chịu vì thái độ sống phóng túng của ông Giê-su; họ ‘xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.
Điều này cũng dễ hiểu thôi: đầu óc luân lý truyền thống đâu cho phép họ phản ứng cách khác! Đức Chúa Gia-vê là Đấng thánh ba lần chí thánh; sự thánh thiện của Ngài đòi phải khai trừ tội lỗi, xa lánh bùn nhơ.; một người thánh của Đức Chúa mà gần gũi với phường gian ác là điều không thể chấp nhận, không thể biện minh được. Đàng này ông Giê-su Na-da-rét, người đã từng nhận mình là con Đấng Thánh, là con của Đức Chúa chí tôn, thế mà ông còn dám... Cho dầu Cựu ước cũng có lúc đề cập tới: ‘Thiên Chúa là đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót’, nhưng điều này chỉ được hiểu như một luật trừ hiếm hoi, được áp dụng cho một số ít tội nhân đã thực tình cải tà qui chính mà thôi.
Do đó Đức Giê-su phải sử dụng tới ba dụ ngôn liên tiếp để quảng diễn điều được Người coi là độc đáo nhất trong Tin Mừng về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên cũng chính các câu truyện này đã gây nên nhiều chống đối, vì chúng chứa đựng một nội dung quá nghịch lý tới độ: không một người Do Thái chân chính nào có thể chấp nhận được. Đặc biệt đối với nhóm Biệt Phái và luật sĩ thì giáo lý mới này lại càng chướng tai gai mắt, để rồi bất cứ ai chủ trương trung thành với giao ước Mô-sê đều phải lên án nó. Theo học thuyết mà Đức Giê-su đang rao giảng thì Thiên Chúa đương nhiên là Đấng vô cùng thánh thiện, nhưng nơi Người có một điều khác còn cao quí hơn cả ‘thánh thiện’: Thiên Chúa của Người tiên quyết phải là một Thiên Chúa tình yêu, thứ tha, đầy lòng từ bi, và hay thương xót. Thiên Chúa đó chắc hẳn sẽ vui mừng vì sự thánh thiện của con người, nhưng Người còn vui hơn nhiều, khi có một tội nhân ăn năn sám hối; “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần phải sám hối ăn năn… Giữa triều thần Thiên Quốc, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối…” Khảng định như thế, vì Đức Giê-su cho rằng: Thiên Chúa tìm thấy vinh quang và niềm vui lớn nhất mỗi khi lòng tha thứ của Người được biểu dương. Để có được niềm vui khôn tả đó, Thiên Chúa không thụ động ngồi chờ hay chỉ lên tiếng kêu gọi xuông. Người chủ động ‘đi tìm cho kỳ được… thắp đèn rồi quét nhà...’! Đó chính là lý do giải thích tại sao có lịch sử cứu độ, tại sao có việc nhập thể của Ngôi Lời, tại sao có cuộc tử hình Thập Giá, tại sao Thánh Thần được ban tặng, và tại sao Hội Thánh được thiết lập: tất cả đều là vì Người muốn ‘moi móc tìm kiếm cho kỳ được!’
Hiểu được niềm vui thiên cung này (heavenly joy) là cả một mạc khải của Thần Khí  hoan lạc… Nhưng đâu có dễ gì! ngay cả các bậc thánh hiền, thông thái và chính trực nhất cũng không thể hiểu nổi. Nói cách khác, hạng người như thế có lẽ lại càng hiểu khó hơn; họ là những người tin rằng: mình làm đẹp lòng Ông Chủ khi ‘chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt (Mt 20:12)’ hay ‘bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh’(Lc 15:29). Họ phân bì và tức tối khi thấy mình, không những không được hơn mà còn bị xếp dưới cả phường tội lỗi bất nhân; “Vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức… Thế là những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:15-16). Họ không thể chấp nhận nổi câu khích lệ của Người Cha nhân từ: “phải ăn mừng, phải vui vẻ!” Công nghiệp và phần thưởng mà họ nghĩ rằng mình đáng được hưởng đã che kín mắt để không bao giờ nhận ra được rằng: lòng nhân từ của Cha mới là điều vĩ đại, mới là niềm vui lớn lao nhất được ban tặng cho loài người.   
Nếu quả Tin Mừng chính yếu hệ tại ở việc nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa thì hậu quả của nó cũng vô cùng lớn lao. Ta vẫn thường cho rằng: giá trị Tin Mừng hệ tại ở việc ăn ngay ở lành, sống đạo đức thánh thiện…; và quan niệm này ta chia sẻ với hầu hết các tôn giáo hoặc các nền triết lý cao đẹp khác. Ngược lại nếu ta xác tín rằng: tham gia vào lòng nhân ái và thương xót tội nhân của Thiên Chúa mới chính là nội dung lớn nhất của Tin Mừng, ta sẽ hiểu rõ hơn những khảng định trên của Đức Giê-su; và còn hơn thế nữa, ta mới phát hiện ra giá trị vô song của Thập Giá Đức Ki-tô. Càng là Ki-tô hữu, ta càng phải tự mình nghiệm ra điều này: chỉ tình yêu cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mới là điều cao cả nhất! Do đó càng là Ki-tô hữu (còn hơn thế nữa… càng là tu sĩ, linh mục), tôi càng phải có khả năng nếm cảm được niềm vui vô bờ mỗi khi lòng từ nhân được tỏ hiện (qua các công tác giáo dục, mục vụ và tông đồ). Bao lâu còn duy trì thái độ lạnh nhạt, kết án và tự cao tự đại trước các tội nhân, bấy lâu tôi còn bước đi trên con đường công chính của Cựu Ước, hoặc của một tôn giáo nào đó. Nói cách khác, tôi vẫn còn đi trên con đường lầm lạc, bao lâu chưa thâm nhập được vào cõi lòng đầy xót thương và nhân ái của Chúa Ki-tô Thập giá và Thánh Thể.
Xét theo tiêu chuẩn này, thời chất lượng đời sống Ki-tô hữu của tôi hiện nay đang ở mức độ nào?

Lạy Cha, cha đã nói với con rằng: “tất cả những gì của cha đều là của con”. Vâng, xin cho con hiểu ra rằng ‘của cha’ chính là lòng thương xót Cha dành cho con chiên lạc, cho đồng bạc bị mất, cho đứa con đi hoang… thì đó cũng phải là ‘của con’ nữa. Xin cho con biết cùng Cha lùng xục tìm kiếm những của quí đó, khi con làm các việc tông đồ hay chu toàn tác vụ linh mục Cha trao. Cũng xin cho con được chia sẻ niềm vui của Cha, để ăn mừng và vui vẻ khi có người anh em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Xin cho tim con được đập cùng một nhịp với con tim cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Con Cha. A-men


Hành hương Roma

Các bạn thân mến,
Cuối cùng thì tôi cũng reach được các bạn, chỉ vì trong những ngày qua, phần vì quá bân rộn với phái đoàn và công việc từ sáng tới tối, phần vì Internet chập chờn, tôi đã không thể gửi email theo ý muốn.
Cho tới nay chuyến hành hương kể như sắp kết thúc cách tốt đẹp, và tối mai phái đoàn sẽ lên đường trở về VN.
Chúng tôi tới Roma tối ngày thứ ba 30 tháng 08 và được đưa về Học Viện dòng Tôi Tớ Bác Ái của Don Guanella. Chúng tôi ổn định chỗ ở.
Ngày 31 tháng 08: chúng tôi tiếp súc với Văn Phòng Thỉnh Nguyện Viên Phong Thánh cho Mẹ Terexa để nhận các phiếu tham dự và đồng tế trong các lễ nghi phong thánh, và dàn xếp cho ngày hồi tâm và cầu nguyện hôm sau tại địa điểm Mẹ Terexa đã từng sống khi làm việc tại Roma.
Ngày 01 tháng 09: chúng tôi tới dâng Thánh Lễ, và cầu nguyện tại địa điểm Salita Gregorio di Celia 2, đồng thời cũng tranh thủ thăm Colosseo, Forum Romanum, Vương Cung Thánh Đường Gioan Laterano, Santa Scala và nhà thờ Thánh Giá Gierusalem. Đi bộ hơi nhiều nên trở về nhà mệt nhoài.
Ngày 02 tháng 9: Viếng Vương Cung Thánh Đường thánh Phero, cộng đoàn MC phục vụ người già neo đơn tại Vatican, và đi mua ảnh tượng kỷ niệm.
Ngày 03 tháng 9: Dự triều yết của ĐTC Phanxico cử hành Năm Thánh những người hoạt động bác ái thương xót noi gương Mẹ Terexa Calcutta.
Ngày 04 tháng 9: Thánh Lễ phong Hiển Thánh Mẹ Terexa. Dầu có vé dành riêng, nhưng để có thể chen chân vào khu quảng trường Thánh Phê-rô an ninh rất kỹ chúng tôi đã phải dậy sớm, đi bộ tới quảng trường từ lúc 02 AM, cho dầu Thánh Lễ tới 10 AM mới cử hành. An ủi cho các Sơ là được chỗ ngồi rất thuận lợi. Các linh mục có giấy phép đồng tế được dành chỗ thuận lợi hơn.
Ngày 05 tháng 9: Chúng tôi trở lại Đại Thánh Đường thánh Phero để dự Thánh Lễ đầu tiên kính trong thể tân Hiển Thánh và tạ ơn. Thánh Lễ do đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Parolin cử hành, Viếng đền thờ Đức Bà Cả.
Ngày 06 tháng 9: Chúng tôi dành cả ngày hành hương Assisi, viếng và cầu nguyện tại tất cả các nơi quan trọng nhất
Ngày 07 tháng 9 hôm nay: chúng tôi thăm Hang Toại Đạo và nhà thờ Quo Vadis, sau đó là đi viếng Đền Thờ Thánh Phaolo ngoại thành.
Cả đoàn mệt nhoài với một lịch trình dày đặc như thế, nhưng ai cũng cảm thấy mãn nguyện. Một phần cũng do lịch trình chúng tôi chủ động, cũng như đồ ăn thức uống được chủ dộng nấu nướng gạo mì chúng tôi mang theo theo kiểu VN. Các lần thử dùng thức ăn Ý đều thất bại cả.
Ngày mai đoàn sẽ trở về VN, riêng tôi còn ở lại thêm một tuần nữa, thăm các bạn bè ở Torino và Milan.
Tạ ơn Chúa về chuyến đi nhưng xin các bạn thêm lời cầu nguyện để tôi cũng như cả đoàn, nhất là các Thừa Sai Bác Ái Chúa Kito được các ơn ích thiêng liêng nhưng nhất là hiều và sống sâu hơn Tin Mừng theo gương Mẹ Thánh Terexa Calcutta và Phanxico Assisi.
Xin gửi tới các bạn Suy Niệm Lời Chúa CN XXIV nam C và Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ ngày mai.
God bless
Lm Gioan Ty SDB

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top