Suy niệm Tin Mừng Mt 16:13-19
Ta
hiểu ra sao về các cột trụ của Hội Thánh?
Đoạn Tin Mừng Mát-thêu chương 16, từ
câu 13 tới câu 19 gồm hai ý chính: việc ‘tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô -
Con Thiên Chúa hằng sống’ là một ơn huệ của Chúa Cha, và vị trí hàng đầu của
Phê-rô trong nhóm mười hai tức là đứng đầu Hội Thánh.
Phê-rô là người đầu tiên trong nhóm mười hai lên tiếng tuyên
xưng: Đức Giê-su là Đấng Ki-tô - Con Thiên Chúa hằng sống. Nội dung lời tuyên
tín của ông thật là độc đáo, đặc biệt nếu xét trong bối cảnh chính trị tôn giáo
của người Do Thái thời bấy giờ. Đức Giê-su đã lên tiếng khen ngợi ông vì lời
tuyên tín đó; tuy nhiên cũng chính lời khen ngợi này lại cho thấy rằng: lời
tuyên tín vượt bậc này thật ra chẳng phải là công trạng gì của riêng ông. Phàm
nhân hay ‘xác thịt máu huyết’ không
bao giờ có thể tuyên tín một điều tương tự, mà chỉ có ơn trên của ‘Cha Thầy’ mạc khải cho mới biết được mà
thôi. Vì lẽ đó lời khen ngợi “anh thật là
người có phúc” không chỉ dành riêng cho một mình Phê-rô, mà còn có giá trị
cho từng Ki-tô hữu chúng ta nữa, đơn giản bởi vì chính Chúa Cha đã chọn chúng
ta, và đưa chúng ta đến với Người trong niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su, Cứu Chúa
(xem Ga 6:37-44; Mt 13:13).
Vậy thì vì lý do nào mà Đức Giê-su chọn đặt Phê-rô đứng đầu
nhóm các Tông Đồ? Người rõ ràng đã xác định vai trò trụ cột của ông qua việc
cải tên Si-mon thành Phê-rô, có nghĩa là Đá Tảng. Việc cải tên đối với người Do
Thái bao giờ cũng đánh dấu một sứ mạng mới. Thực tế khi chỉ định ông đứng đầu
nhóm Tông Đồ và trao cho ông quyền lãnh đạo, Đức Giê-su đang nhắm tới một điều
rất quan trọng nào đó; nói cách khác, Người đang có trong đầu một ý niệm rất rõ
về sứ mạng của Hội Thánh và vai trò của Phê-rô trong đó.
Qua khảng định của Đức Giê-su thì vai trò của Phê-rô trước
hết phải là củng cố đức tin của Hội Thánh cho kiên vững, và sự kiên vững đó
phải là tuyệt đối tới độ “quyền lực tử
thần - hay cửa âm phủ - sẽ không thắng nổi”. Như thế cũng đồng nghĩa với
việc qua Phê-rô Thiên Chúa sẽ bảo đảm ‘mạc khải’ về Đức Ki-tô Giê-su Cứu Chúa
cứ tiếp tục tồn tại mãi cho đến muôn đời muôn kiếp. Với Phê-rô, và cùng với
nhóm mười hai tức là Hội Thánh, niềm tin vào Giê-su Ki-tô Cứu Chúa được bảo đảm
sẽ không bao giờ suy chuyển.
Câu nói tiếp theo của Đức Giê-su đã thực sự cho thấy, thứ
đức tin từ trên ban cho đó mà Phê-rô và các Tông Đồ phải thi hành là một thứ
quyền bính đặc biệt mang tính tháo cởi và cầm buộc: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều
gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời
cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Nếu căn cứ vào Phúc Âm của thánh sử Gio-an (xem
Ga 20:22-23) thì, quyền bính này không chỉ dành riêng cho một mình Phê-rô mà là
cho cả nhóm Mười Hai cũng như cho mọi môn đệ khác của Đức Ki-tô sau này, có
nghĩa là tất cả những ai đã đón nhận Thánh Thần. Và đó phải là một thứ quyền
bính mang rõ mục đích cứu rỗi. Do đó nếu hiểu ‘cầm buộc và tháo cởi’ là xác định rõ điều gì là cấm và điều gì là
cho phép thì đúng là ta đã quá thiên về cái nhìn Hội Thánh như một cơ cấu pháp
quyền, một tổ chức của con người nặng tính luật lệ, mà quên đi mất sự tự do
trong Thần Khí mà Tông Đồ Phao-lô đã không ngừng nhấn mạnh. Còn một lối giải
thích nữa theo cách hiểu truyền thống về ‘Ex
Cathedra – Huấn quyền của Giáo Hội’ thì quyền bính này liên quan tới việc
bảo đảm nội dung tinh tuyền chính xác của việc tuyên xưng đức tin. Tuy nhiên
đức tin lại là lãnh vực của cõi lòng, cho nên dẫu huấn quyền của Giáo Hội có
được hiểu như thế đi nữa, thì ngay cả ‘quyền’ này cũng cần phải được hiểu cách
quân bình hơn. Vì, mọi Ki-tô hữu trong Thánh Thần đều được coi là những người
trưởng thành, như tông đồ Gio-an đã từng xác quyết: “Phần anh em, ‘dầu sức’ mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô ở lại trong
anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa, nhưng ‘dầu’ của Người dạy dỗ anh em
mọi sự…” (1 Ga 2:27).
Nếu liên kết các điều trên với Tin Mừng Lu-ca chương 22, các
câu 31-32 “…Thầy cầu nguyện cho anh để
anh khỏi mất lòng tin… Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh
nên vững mạnh”, hay với đoạn văn chương 21, các câu 15-18 của Tin Mừng
Gio-an “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự;
Thầy biết con yêu mến Thầy… Hãy chăm sóc các cừu mẹ của Thầy” ta mới thấy
rõ nội dung của thứ đức tin hay quyền bính được ủy thác cho Phê-rô đích thực là
gì. Câu ‘cầm buộc và tháo cởi’ phát
ra từ môi miệng Đức Giê-su không thể được hiểu theo nghĩa quyền bính hay luật
lệ của người Do Thái, lại càng xa lạ hơn với quan niệm duy luật pháp (legalism) của người Rô-ma. Theo Đức
Giê-su: quyền (hay đức tin) được trao cho Phê-rô và các môn đệ chính là thứ
quyền năng mà Người trước hết đã lãnh nhận được từ Chúa Cha; đó là “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con của Người
mà được cứu độ” (Ga 3:16-17). Đó là thứ quyền bính của tha thứ và xót
thương, để rồi khi chính bản thân Phê-rô nghiệm ra điều này, sau những lần sa
ngã thảm hại, ông mới thật sự trở nên kiên vững hầu có thể củng cố niềm tin của
các anh em mình trong thứ ‘quyền bính’ độc đáo này. Không lạ gì hai cột trụ
vững mạnh nhất của một Hội Thánh hiện thân Thiên Chúa nhân ái cứu độ phải là
những con người đã được bén rễ sâu nhất trong lòng nhân ái xót thương của Thiên
Chúa. Phê-rô đã vậy mà Phao-lô cũng chẳng kém: một Phê-rô trốn chạy và chối
Thầy mình tới ba lần, và một Phao-lô thâm tín “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi
là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa” (1 Cr 15:9). Phải!
các vị là những người như thế, là những người chính mình nhận ra lòng thương
xót thứ tha và lòng từ nhân vô biên của Thiên Chúa, nên các ngài mới xứng đáng
trở thành cột trụ vững chắc nhất của tòa nhà Hội Thánh của một Ki-tô Cứu Chúa,
và không ngừng củng cố các anh em mình trong niềm tin vào lòng xót thương này.
Do đó, được tham gia vào quyền lãnh đạo phẩm trật trong Hội
Thánh của Đức Ki-tô, tôi hay bất cứ linh mục nào khác cũng đều phải xác tín như
đinh đóng cột về thứ quyền bính rất đặc biệt của Tin Mừng nói trên. Và chỉ khi nào
nắm bắt và thực hành được điều này, tôi mới có thể chu toàn thứ quyền bính ‘Cầm buộc và tháo cởi’ mà Đức Giê-su đã
lãnh nhận được từ tay Chúa Cha và đã được trao lại cho Phê-rô trước hết, cho
nhóm mười hai và cho tất cả các chức quyền trong Hội Thánh qua mọi thời đại.
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc