0


Suy niệm Tin Mừng Lc 9:11b-17          

Phép lạ: ‘hóa bánh ra nhiều’ hay ‘bẻ bánh ra và trao ban’?

Trong các phép lạ được ghi lại, hóa bánh ra nhiều là phổ thông nhất: cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại, thậm chí Mat-thêu và Mác-cô còn đề cập tới một vụ khác nữa ít hoành tráng hơn; tại sao lại như thế? Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho là: ‘vì đây là phép lạ chứng tỏ rõ ràng nhất quyền uy tuyệt đối của Chúa Giê-su trên các định luật tự nhiên’ (xem chú giải Lc 9:12 trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tôi xin mạn phép được suy nghĩ khác đi một chút:
Căn cứ vào Phúc Âm Gio-an chương 6, ý nghĩa chính của sự kiện lạ này không mấy hệ tại ở việc ‘hóa bánh ra nhiều’, cho bằng ở việc ‘bẻ bánh ra và trao’. Hầu như cả sáu trình thuật đều đề cao hành vi này với khá nhiều chi tiết; hơn nữa khi đọc đoạn Tin Mừng được Giáo Hội trích dẫn trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C, tôi càng thêm thâm tín về suy nghĩ của mình. Đúng là ‘hóa bánh ra nhiều’ chỉ là ‘bao bì’ để thu hút khách hàng đón nhận một ‘sản phẩm’ tuyệt vời là, tình yêu ‘bẻ ra và trao tặng’ chứa đựng bên trong. Và có thể vì đã nắm được nội dung nòng cốt của sự kiện đặc biệt này mà các Ki-tô hữu ngay từ thời đầu, đã dành cho phép lạ ‘bánh hóa nhiều’ một trân trọng đặc biệt đến thế. Phép lạ mang tính vật lý này thực ra chỉ là tiền đề đưa ta tới cử chỉ ‘bẻ ra và trao tặng’ đầy ý nghĩa, rất độc đáo của một Thiên Chúa nhân ái, và được thực hiện trong hiến tế Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô. Sau này, khi việc hóa bánh ra nhiều không còn là quan trọng nữa, thì hành vi ‘bẻ bánh và trao cho’ lại luôn được các môn đệ cử hành vì, đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn để nhận ra Thầy chí thánh, như trường hợp hai môn đệ trên được đi Em-mau sau khi Chúa sống lại (xem Lc 24:30-31).
Nếu truyền thống Ki-tô giáo, qua các thời đại, luôn liên kết phép lạ này với Thánh Thể, thì chính là vì đã nhận ra việc ‘bẻ ra và trao ban’ là điều đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hiến tế Thập Giá của Đức Ki-tô. Trong bữa tiệc Vượt Qua ly biệt, Đức Giê-su đã chẳng ‘bẻ ra và trao ban’ chính mình là gì’; bánh bẻ ra là ‘bí tích’ (dấu bên ngoài) của Mình Thầy hiến tế, rượu trao ban là ‘bí tích’ của Máu Thầy đổ ra cứu chuộc. Tự nó việc xác định ‘bánh là Mình Thầy và rượu là Máu Thầy’ sẽ hầu như trở thành vô nghĩa, nếu chỉ dừng lại ở sự biến thể kỳ lạ (transubstantiation); Đức Giê-su chỉ biến thể để thực hiện việc tự ‘bẻ ra và trao tặng’ tới từng người chúng ta. Như thế Thánh Thể trước hết phải là hành động, một hành động tự hiến biểu lộ rõ nét nhất yếu tính nền tảng của Thiên Chúa; hình như chính Đức Giê-su đã hé mở cho thấy: đó là một Thiên Chúa hiến dâng chính mình và trao tặng cho nhân loại, trong chính lúc họ tội lỗi và bất xứng nhất.
Như vậy Mình và Máu Thánh Chúa sẽ không chỉ đơn thuần là sự hiện diện của Giê-su -  Thiên Chúa, để chúng ta ‘phục bái tôn thờ’; nhưng luôn là dâng hiến của một Giê-su ‘bẻ ra - trao ban’ để ta đón nhận và phân phát. Thánh Thể sẽ không chỉ đòi nơi ta một lòng sùng kính ‘tĩnh’, nhưng phải đưa ta đến một đón nhận và tham gia ‘động’ vào huyền nhiệm Giê-su hiến mình trên Thập Giá. Thánh Thể thôi thúc mỗi người môn đệ chúng ta: “chính anh em hãy cho họ ăn”, khác hẳn với thái độ hưởng thụ và no nê cho thỏa chí thỏa lòng của đám quần chúng.
Suy niệm này giúp ta hiểu được phần nào các đòi hỏi của việc cử hành Thánh Thể. Truyền phép để bánh trở thành ‘Mình Chúa bẻ ra’ và rượu trở thành ‘Máu Chúa đổ ra’ là một cử hành (celebration) thực sự, chứ không chỉ là một công thức (formula) nhiệm mầu tạo ra biến thể. Và Chúa còn muốn mỗi chúng ta: “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, chứ không chỉ diễn lại hay lập lại như một tấn tuồng tưởng niệm. Càng trong tư cách linh mục, chính tôi trước hết, và qua tôi cả các anh chị em tín hữu khác nữa, trong mỗi Thánh Lễ sẽ phải làm việc cử hành này cách sinh động nhất; đó là vào sâu trong niềm tín thác nơi một Thiên Chúa hiến mình và trao ban, để rồi chính mình cũng sẽ khởi đầu cuộc hiến mình và trao ban trong Giê-su. Thống hối đầu Thánh Lễ không chỉ mang mục đích thanh tẩy ta cho xứng đáng hơn với việc cử hành phụng vụ, nhưng còn quan trọng hơn nhiều: nó cho ta ý thức đón nhận món quà đã được Thiên Chúa trao ban cách vô điều kiện nhưng với đầy nhân ái và yêu thương. Và Rước Lễ lúc đó không chỉ để ta đón lấy một Thiên Chúa ngự vào lòng, nhưng còn phải kết hiệp ta sâu sắc với một Đức Ki-tô ‘bẻ ra và trao tặng’ của Thập Giá; hơn nữa nó còn phải thôi thúc ta làm trong đời sống hàng ngày những gì Người đã làm trong ‘bẻ ra và trao ban’. Thánh Lễ phải trở thành trung tâm của đời sống Ki-tô hữu, không chỉ vì là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cách cao quí nhất, nhưng vì nó liên kết chúng ta cách sâu xa nhất với mầu nhiệm hiến tế, là trung tâm của niềm tin cũng như của cuộc sống chúng ta.
Một khi chính Thiên Chúa đã tự hiến và trao ban thì các Ki-tô hữu là những kẻ tin vào Người, sẽ không thể làm khác hơn là: chính họ cũng phải tự hiến và trao ban. Chính vì vậy mà Thánh Thể trở nên nguồn sống của đời Ki-tô hữu.

            Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, cảm tạ Chúa đã cho con được làm linh mục để có điều kiện ‘cử hành’ Thánh Lễ tốt hơn. Xin Chúa nâng đỡ để con có thể giúp nhiều tín hữu, không những chỉ cử hành các nghi thức cách trang trọng sốt sáng, nhưng còn biết tham dự vào hiến tế Thập Giá của Chúa Ki-tô bằng việc ‘bẻ ra và trao ban’ chính mình trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con được một lòng sùng kính mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa cách sống động, để mỗi lần tới gần Thánh Thể là con lãnh nhận được tình yêu dâng hiến Chúa dành cho con, đồng thời cũng mời gọi con tiến vào tình yêu dâng hiến phục vụ mọi người. A-men

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top