0


Suy niệm Tin Mừng Ga 16:12-15          

Thiên Chúa, như Đức Giê-su muốn diễn tả

Thánh Gio-an ghi nhận: Đức Giê-su trong diễn từ ly biệt đã khảng định: Người muốn nói với các môn đệ nhiều điều, và toàn là những nội dung tối quan trọng, có điều các ông hoàn toàn chưa sẵn sàng đón nghe: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em chưa có sức chịu nổi.” Tôi vẫn hay thắc mắc: điều gì mà có tầm quan trọng vượt bậc đến thế, để mà Đức Ki-tô gọi nó là: ‘sự thật toàn vẹn’?
Giáo hội chọn bản văn Gio-an chương 16 cho lễ Chúa Ba Ngôi năm C quả là có ý nghĩa, chính vì đoạn Tin Mừng này hé mở cho thấy nội dung đích thực của cái thực tế vẫn thường được mệnh danh là mầu nhiệm ‘Chúa Ba Ngôi’. Điều này, tôi thiết nghĩ: các môn đệ cũng như các tín hữu tiên khởi chắc chắn đã nắm bắt rất rõ, trước cả khi nó được diễn đạt bằng công thức ‘Một Chúa Ba Ngôi – Sancta Trinitas ’.
Sự thật toàn vẹn Người đề cập tới trước hết bắt đầu bằng chính con người Đức Ki-tô Giê-su: “Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”. Đức Giê-su đã lặp lại câu nói trên tới hai lần, điều này cho thấy: chỉ khi nào ta khởi đi từ Giê-su, ta mới có thể hiểu biết cách chính xác, Thiên Chúa thật sự là ai.
Trước mắt các môn đệ là: một ông Giê-su xuất thân từ làng quê Na-da-rét; ông là một bậc thầy đang rao giảng một học thuyết rất kì lạ; còn hơn thế nữa, ông đã có một đời sống và một cái chết không ai hiểu nổi. Ông khảng định rằng: đó là cuộc sống và cái chết trọn vẹn hiến dâng và trao ban, không chỉ cho người tốt mà cả cho kẻ xấu. Nhưng nếu chỉ là cá nhân ông như thế thì dầu có anh hùng và đáng khâm phục thật, nhưng cũng chỉ cá lẻ một mình ông mà thôi. Đàng này ông lại không ngừng tuyên bố rằng: con người và cuộc sống (nhất là cái chết Thập Giá) của ông là biểu lộ trung thực nhất về Thiên Chúa, Đấng mà ông không những gọi là Cha của mình, mà còn tự đồng hóa mình với Ngài. Và Đấng đó, khác với suy nghĩ thông thường của người Do Thái, kể cả các thầy tiến sĩ thông luật thời đó, cũng là Thiên Chúa - Cha đầy nhân ái của hết thảy mọi người, cách riêng những người tội lỗi nhất; sau này qua việc ông được cho chỗi dậy từ cõi chết, những lời khảng định trên của ông trở nên có sức thuyết phục không ai cưỡng lại được.
Nhận biết được điều này mới là nhận biết Giê-su cách đích thực, đồng thời cũng là nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa: “Giờ đây Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình” (Ga 13:31-32). Tuy nhiên qua phát biểu của một số môn đệ thâm tín nhất như Tô-ma (xem Ga 14:5-7) Phi-lip-phê (xem Ga 14:8-11) Giu-đa không phải It-ca-ri-ốt (xem Ga 14:22-24)…, ta biết: điều này xem ra không dễ dàng được chấp nhận. Tin rằng ‘Thiên Chúa là Cha đầy nhân ái, yêu thương và tự hiến mình cho con người tội lỗi’ còn khó hơn cả tin ‘ba là một hay một là ba’. Điều sau này mới chỉ là một nghịch lý về mặt suy luận toán học, còn điều kia mới thực là nghịch lý làm đảo lộn mọi tương quan trời đất cố hữu. Cần phải chính Chúa Cha trong Đức Ki-tô gởi một nhân vật bí nhiệm là Thánh Thần - Đấng Bảo Trợ đến mới đưa nổi các tín hữu tới sự hiểu biết và tin thác vào tình yêu vĩ đại này.
Như vậy công việc chính yếu của Chúa Thánh Thần là: làm cho Ki-tô hữu chúng ta nhận biết Đức Giê-su Thập Giá là Lời tình yêu vô song của Chúa Cha. Thánh Thần chính là đức tin đối thần của tín hữu chúng ta, là Đấng Sáng Soi cho phép ta tiếp cận, hiểu biết và chấp nhận điều mà lẽ thường ta ‘không có sức chịu nổi’; là Đấng dẫn ta ‘tới sự thật toàn vẹn’, vì chính sự thật này mới làm cho ta được sống và sống dồi dào. Vì thế Thánh Thần chính là Hồng Ân tình yêu vĩ đại nhất mà Chúa Cha nhân ái trong Đức Giê-su Ki-tô có thể ban, để ta tiến vào tình yêu sinh động và phong phú nhất của Người.
Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là khởi nguồn và cùng đích của niềm tin Ki-tô hữu. Mầu nhiệm đó không hệ tại ở việc, nó quá bí nhiệm tới nỗi không ai kham nỗi, nhưng chính yếu hệ tại: nó quá phong phú, quá sinh động tới độ làm thay đổi toàn diện cuộc sống con người chúng ta. Mầu nhiệm đó chính là cốt lõi của Tin Mừng. Quả thực kể từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội để trở thành môn đệ Đức Giê-su, mọi Ki-tô hữu sẽ không ngừng “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19) như một tuyên tín về tình yêu nhân ái vô biên của Thiên Chúa. Và bất cứ ai ngưng tuyên xưng khối tình yêu vĩ đại này như căn nguyên và sức sống của đời mình thì sẽ lập tức không còn là Ki-tô hữu đích thực nữa. Chúa Ba Ngôi quả thật là mầu nhiệm của các mầu nhiệm, nhưng không phải để hiểu biết mà là để sống!

Lạy Chúa, lẽ ra con đã phải cảm tạ khôn nguôi về niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, lẽ ra mỗi lần thốt lên ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ lòng con đã phải tràn ngập vui sướng. Nhưng tiếc thay thực tế đã không được như thế, chỉ vì con cứ ngắm nhìn Thiên Chúa như một Đấng quyền uy cao sang, nên nhiều khi con cảm thấy khó chịu về mầu nhiệm khó hiểu và khô khan này; nhiều khi con chỉ lạnh lùng thốt lên ‘nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần’ cách máy móc vội vàng, như một công thức vô bổ. Xin Thánh Thần tích cực tác động trong con, để dạy con điều con không thể kham nỗi, là nhận biết tình yêu nhân ái bao la của Thiên Chúa Cha, biểu lộ qua Thập Giá của Đức Ki-tô Giê-su. Xin cho con biết không ngừng ca ngợi Ba Ngôi từ ái. A-men

Bài:
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB 
Admin: GB.Thanh Hội 

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top