Suy niệm
Tin Mừng Lc 2:16-21
Tại sao lại ‘Mẹ Thiên Chúa’?
Đặt ra câu hỏi này cho
chính mình, tôi không có ý tham gia vào cuộc tranh luận thần học hay tín lý từ
lâu đã luôn nổi lên trong Giáo Hội; đơn giản là vì tôi luôn bị ám ảnh bởi câu
khảng định của Đức Giê-su khi có người lên tiếng ca ngợi địa vị dành cho kẻ được
diễm phúc làm mẹ của Người: “Đúng ra phải
nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11: 27-28). Tôi vẫn hay đặt cho mình câu hỏi: tại
sao lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa lại quan trọng hơn cả thiên chức làm Mẹ
Thiên Chúa; thực ra giữa hai điều này có gì liên quan với nhau, hay chỉ là lối
nói cho văn vẻ vậy thôi?
Lời Chúa trong bài Tin Mừng
ngày lễ hôm nay mời gọi tôi chiêm ngắm trở lại cảnh hang Bê-lem, quá đơn sơ nghèo nàn nhưng có điều gì đó cần được gẫm suy sâu sắc hơn nữa. Mẹ Maria đã
chẳng trong suốt những ngày này chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng những điều đang
xảy ra xem nó có ý nghĩa gì: “Đến nơi,
các mục đồng gặp bà Maria, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”.
Tôi nhận ra cái diễm phúc lớn hơn hết của người đã được đặc ân cưu mang
trong dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài
Nhị bé nhỏ. Đó chính là người được điễm phúc gần gũi, được chạm tới, được chiêm
ngắm sát sao hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang
tỏ lộ lòng từ bi thương xót cách quá cụ thể và độc đáo; chính vì thế mà Maria
đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy
đi nghĩ lại trong lòng”.
Khi đề cập tới ‘nghe và
tuân giữ Lời Thiên Chúa’, thật ra Đức Giê-su đang muốn nói tới điều gì, đặc biệt
khi Người sử dụng hạn từ ‘Lời Thiên Chúa’? Phải chăng đó là nghe và tuân giữ
các điều Người giảng dạy hay các giới luật Người ban như luật yêu thương rất
cao đẹp chẳng hạn? Không hẳn thế! Lời Thiên Chúa là toàn bộ sự hiện diện của
Giê-su nơi trần thế, từ Bê-lem trong hình hài trẻ sơ sinh cho đến cái chết nhuốc
khổ trên thập giá; Lời đó chỉ nói lên một điều duy nhất: Thiên Chúa xót thương
và cứu chuộc con người! Rõ ràng Maria ngay từ đầu đã để tâm ‘lắng nghe’ điều
này trước, trong và sau các diễn biến đang xảy ra tại Bê-lem…, và còn tiếp tục
mãi cho tới chân Thập Giá. Một đàng Người đã lắng nghe và đón nhận cách chăm
chú, với tâm hồn bén nhạy của một phụ nữ, với phong cách một người mẹ; người
nghe với tất cả tâm trí tới độ có thể cất lên khi có dịp: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, vì Người
đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1:46-4); đàng khác Người cũng
‘tuân giữ Lời’ qua việc đón nhận cách trọn vẹn, và tham gia cách tích cực vào
việc Thiên Chúa thực hiện lòng thương xót cứu độ của Người. ‘Lắng nghe’ nào sâu
xa cho bằng để cả tâm trì và cõi lòng mình nhảy mừng khi tình yêu cứu độ xuất
hiện, và ‘tuân giữ’ nào trọn vẹn cho bằng để lòng dạ mình cưu mang và trọn đời
cộng tác vào chương trình xót thương cứu độ cho tới tận chân Thập Giá? Hơn thế
nữa, Maria đã thi hành được những điều này cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người!
Chính vì thế mà khi nhắc nhở: “Ai là mẹ
tôi? Ai là anh em tôi? - Đó là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy
là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:31-35) Đức Giê-su hẳn muốn ám chỉ điều
này chứ không gì khác! Theo lối suy nghĩ tự nhiên: được làm Mẹ Thiên Chúa quả
là một địa vị, một đặc ân vĩ đại; nhưng riêng với Đức Giê-su, thì tư thế của một
người trước Tin Mừng cứu độ mới là điều thực sự có giá trị. Thế rồi, hình như
qua khảng định trên, Đức Giê-su còn muốn mở rộng và mời gọi mọi Ki-tô hữu, hãy
tham gia vào cái ‘vinh dự cao cả’ đó nữa thì phải! Như vậy, theo tiên chuẩn
Ma-ri-a, sự thánh thiện và vĩ đại nhất thật quá đơn giản: chỉ cần biết ‘nghe và
tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót, và đem đời mình dìm sâu vào trong
tình yêu cứu độ đó là đủ.
Các hội viên của Dòng
Don Bosco có cái tham vọng là: biến mình trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình thương của Chúa đến cho các thanh thiếu niên’.
Rõ ràng nhà dòng muốn họ trở thành ‘mẹ’ thành ‘cha’ của các trẻ bị bỏ rơi, đồng
thời… cũng trở thành mẹ của Thiên Chúa nữa, có lẽ trong cùng một nội dung mà Đức
Giê-su đang nói tới. Vì lý do đó nhà dòng muốn họ được Mẹ Ma-ri-a cùng đồng
hành trong việc sống ơn gọi của từng hội viên, không phải chỉ vì các trợ giúp đỡ
nâng bên ngoài, mà nhất là trong nội dung của chính ơn gọi họ. Nếu tôi không lầm
thì: Đức Giê-su cũng muốn mời gọi tất cả các Ki-tô hữu hãy cùng tham gia vào chức
phận ‘mẹ’ của Mẹ Người như vậy. Phải chăng đó là ‘ý đồ’ của Người khi trao
Gio-an – người môn đệ cưng cho Maria đang đắm chìm trong hiến tế của Thập Giá cứu
độ: “Thưa bà, đây là con của bà… Đây là mẹ
của anh!” (Ga 19:26-27)?
Lạy Maria Mẹ Thiên Chúa, xin hãy giúp con như Mẹ, biết ‘nghe
và tuân giữ’ Lời Cứu Độ đầy từ nhân; xin cho con khi mừng kính Mẹ dưới danh hiệu
cao đẹp này, cũng được tham gia vào nghĩa vụ trở thành ‘mẹ của Đức Ki-tô’ cho
những người chưa được biết tới tình yêu cứu độ đầy xót thương của Thiên Chúa.
Cũng xin Mẹ Thiên Chúa giúp con luôn trung thành với ơn gọi Ki-tô hữu rất cao
quí mà Mẹ là người đầu tiên đã thực thi được cách trọn vẹn nhất. Chính vì điều
này mà con chạy đến với Mẹ và tôn sùng yêu mến Mẹ dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên
Chúa’. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc