Suy niệm
Tin Mừng Mt 2:1-12
01 - Hiển
linh con người được giải thoát
Theo chú thích trong cuốn Christian Community Bible của hai tác giả Bernard Hurault và Louis
Hurault thì “vào thời kỳ các sách Tin Mừng được biên soạn, văn chương Do
Thái thích đưa ra những truyện tường thuật lại thời thơ ấu của các người hùng
trong Kinh Thánh: truyện ông Áp-ra-ham, truyện ông Mô-sê vừa được viết xong.
Tương truyền rằng một ngôi sao đã báo cho vua Pha-ra-ô biết một vị cứu tinh của
người Híp-ri sắp chào đời, do đó nhà vua quyết định giết tất cả các bé trai,
nhưng Mô-sê đã được cứu thoát. Trong giới Ki-tô hữu cũng vậy, có những chuyện
dân gian thuật lại các mẩu chuyện về thời thơ ấu của Chúa Giê-su mà Tin Mừng
không hề ghi chép. Chính trong bầu khí này mà tác giả Mát-thêu mượn lại một số
truyền thuyết. Đây là cơ hội cho ông nói rõ như trong một lời tựa của sách Tin
Mừng: sứ mạng của Chúa Giê-su là thế nào” (Xem ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ Tân Ước, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội
2006, trg. 30).
Câu chuyện ‘Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su
Hài Nhi’, mà ta quen gọi là biến cố hiển linh, được Mát-thêu tường thuật
ngay sau đoạn Giu-se được báo mộng về việc Ma-ri-a thụ thai, ‘sẽ sinh một con trai’ và ông sẽ ‘đặt tên cho con trẻ là Yê-su-a’ (Mt
1:18-25). Như thế khi thuật lại truyền thuyết này, tác giả hầu như muốn nêu lên
ý tưởng Hài Nhi Giê-su chính là một Mô-sê mới: nhân vật chính mình đã từng là ‘người được cứu thoát’ của Đức Chúa, và
sau này sẽ trở thành vị cứu tinh của cả một dân tộc. ‘Được cứu’ như Mô-sê, Hài
Nhi Giê-su thể hiện nơi mình ước vọng ‘được cứu’ của toàn thể nhân loại; nhưng
đồng thời Người cũng là Thiên Chúa Cứu Độ, đúng với cái tên Yê-su-a thiên sứ đã
báo trước, nên Người cũng là một Thiên Chúa ‘cứu vớt’. Nhân tính và Thiên tính
gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn nơi Trẻ Thơ Bê-lem là thế: nhân tính Giê-su hiện
thân cho nhân loại ‘được cứu thoát’, trong khi thiên tính lại biểu lộ ‘Thiên
Chúa tích cực cứu độ’. Ngôi sao định mệnh của Người quả là độc đáo, và đã được
nhiều nhà chiêm tinh nhận ra, ‘chúng tôi
đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông’: ngôi sao đó chỉ rõ: giải
thoát và được cứu thoát gặp gỡ nhau, và cả hai đều được thực hiện cách trọn vẹn. Các ông nhận biết: một khi điều đó xảy
ra chính là lúc nhân loại đã có được một số phận mới; đó là lúc lịch sử nhân loại
bị đảo lộn hoàn toàn. Các nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) cất công lên đường tìm tới
bái lạy Hài Nhi chính vì điều này. Đối với họ Hài Nhi phải là một nhà vua vĩ đại,
một vị lãnh tụ mới… như các ngôn sứ đã từng nói về đấng Mê-si-a: “vì ngươi là nơi, hỡi Bê-lem, vị lãnh tụ chăm
dắt Ít-ra-en dân ta sẽ ra đời”.
Như vậy, sự kiện hiển
linh (tức các chiêm tinh gia theo dấu ngôi sao lạ đến bái lạy Hài Nhi Giê-su)
đâu phải là hành vi chỉ hiển thị thiên tính của một Thiên Chúa giáng trần, mà cả
cái nhân tính được cứu thoát cũng được hiển thị nữa. Chẳng vậy mà ngay sau đó
tác giả Mát-thêu đã tường thuật tỉ mỉ việc các anh hài bị giết hại, còn Hài Nhi
thì trốn thoát được qua Ai-cập, rồi ở đó an toàn cho tới khi được gọi về; “Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai-cập”. Tương
tự như Mô-sẽ không chỉ được sách Xuất Hành giới thiệu như vị cứu tinh oai hùng
đưa dân Híp-ri vượt qua Biển Đỏ trở về Đất Hứa, mà còn cho thấy ngài là đứa bé
‘được vớt lên khỏi nước’… trốn chạy
an toàn qua Ma-đi-an, rồi được sai trở lại Ai-cập với sứ mệnh giải thoát dân
(Xh 2-3). Các nhà chiêm tinh, cũng giống như các người chăn chiên cừu ngoài đồng
cỏ, khi “vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu
là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”; họ không chỉ bái lạy một Thiên
Chúa giáng trần, mà vì ‘thấy ngôi sao, họ
mừng rỡ vô cùng’ vì biết rằng ơn cứu độ của mình và của toàn nhân loại cũng
đang được thực hiện cách trọn vẹn.
Hiển linh sẽ chẳng có ý
nghĩa gì, và cũng chẳng làm ai hớn hở mừng rỡ nếu chỉ là một biểu dương uy quyền,
cho dầu đó là quyền uy của Thiên Chúa đi nữa! Hiển linh của Hài Nhi Bê-lem làm
cho hết mọi người đều mừng vui, vì quả thật ‘các nhà chiêm tinh là những tư tế được kính nể của đạo
Da-ra-thu-sơ-tra, lại còn là những nhà thiên văn học và thầy bói toán. Ở đây
các ông đại diện cho những tôn giáo không biết đến Kinh Thánh’ (xem tác phẩm trích dẫn trên, trg 31).
Mừng lễ Chúa Hiển Linh,
tôi có thâm tín: trước mặt tôi đang hiển hiện Hài Nhi Yê-su-a là một Thiên Chúa
Cứu Độ, đồng thời cũng là một loài người được trọn vẹn cứu thoát không nhỉ? Khi
nhìn nhận Hài Nhi bé bỏng là Thiên Chúa, tôi có đồng thời xác tín rằng: con người
tội lỗi bất toàn của mình, và của toàn thể nhân loại đều đã và đang được cứu
chuộc cách dứt khoát và tận căn không?
Lạy Hài Nhi với thân mẫu là Ma-ri-a, xin cho con được sấp
mình cung kính bái lạy, không phải vì sợ sệt hay kính nể, nhưng vì mừng rỡ sướng
vui. Xin cho con nhận ra trong ngôi sao của Hài Nhi, số mệnh của chính con đã
được ấn định; vì cho dầu bản thân con có là ‘ngôi sao xấu số’ tới mấy, thì con
cũng đã trở thành ‘ngôi sao được cứu rỗi’, nhờ ‘Lời đã trở nên người phàm và cư
ngụ giữa chúng ta’. Xin cũng hiển linh điều này cho hết thảy mọi người, để niềm
vui Giáng Sinh được bùng nổ trên khắp cõi trần gian. A-men
02 - Nơi Hài Nhi Giê-su,
Thiên Chúa muốn hiển linh thứ vinh quang nào?
Tôn giáo nào thì cũng muốn
cho vị thần linh mình tôn thờ được vinh hiển; đó là một tình cảm tôn giáo đáng
quí nhưng cũng thật đáng sợ, vì nó đã từng và còn đang là nguyên nhân gây nên
biết bao cuộc bắt hại, chiến tranh tôn giáo, hay các thủ đoạn khủng bố ác độc
hòng triệt hạ đối phương. Lịch sử nhân loại đã ghi lại không ít các cuộc chiến
tranh tôn giáo khốc liệt. Có phải Hiển Linh chúng ta mừng hôm nay cũng là: làm
cho vinh quang Thiên Chúa được rạng rỡ, cho quyền năng Người được hiển hách,
cho dầu đang bị ẩn dấu trong hình hài một trẻ thơ bé bỏng yếu hèn? Có một thời
tôi đã cảm thấy kiêu hãnh: ‘Có thế chứ… phải có những ông vua tới bái lạy, tới
triều cống các lễ vật quí giá, thế mới xứng đáng danh phận vương giả của Ngài
chứ! Phải có những vì sao lạ xuất hiện trên bầu trời để mà cả và thiên hạ trầm
trồ ca tụng Ngài! và tôi lấy làm hả dạ về lễ Chúa Hiển Linh. Tình cảm đó thực
ra là gì, một nhiệt tình tôn giáo cao quí đáng đề cao, hay chỉ là một đầu óc
háo thắng thiển cận (triumphalism)?
Thật ra câu chuyện về
các chiêm tinh gia (thường được dân có đạo nâng lên hàng vua chúa cho nó oai: lễ
‘Ba Vua’) đến bái lạy Hài Nhi Giê-su chỉ được Phúc Âm Mát-thêu ghi lại với chủ
đích, như ông vẫn quen làm, để khảng định “thế
là ứng nghiệm” những lời các tiên tri đã báo trước xung quanh việc Hài Nhi
ra đời: Hài Nhi sinh ra tại Bê-lem miền Giu-đê, rồi chạy trốn qua, rồi lại trở
về từ Ai-cập xa xôi v.v… Tự nó câu chuyện rõ ràng mang tính truyền thuyết tới độ
tôi dám nghĩ rằng, nó được thuật lại hầu nâng cao tình cảm tôn giáo nơi các tín
hữu.
Vấn nạn mấu chốt được
nêu lên là: nếu Hài Nhi mới sinh tại Bê-lem được hiển linh, thì là hiển linh điều
gì? Nói cách khác, đâu là thứ vinh quang đích thực mà Hài Nhi nghèo hèn này muốn
bộc lộ?
Ba nhà chiêm tinh (hay đạo
sĩ) là những con người uyên bác, chuyên tìm hiểu những qui luật của trời đất.
Qua tinh tú chuyển vận, các ông đoán biết: một nhận vật quan trọng mới xuất hiện;
nhân vật này, như các ông tính toán, có liên quan chặt chẽ tới việc thay đổi vận
mạng của toàn dân thiên hạ; chính vì lẽ đó mà các ông mới cất công lên đường đi
tìm Ngài. Theo lô-gích của các ông: nhân vật này hẳn phải là một vị vua đầy uy
lực, cho nên Ngài phải sinh sống trong chốn cung đình; và thế là họ tìm tới
Giê-ru-sa-lem - kinh thành của vương triều Da-vit; thế nhưng ở đó, họ chỉ gặp
được Hê-rô-đê, một con người ham quyền đầy mưu mô hiểm độc. May mắn thay các
ông vẫn còn một vị dẫn đường khác: một ‘ngôi sao lạ’; và các ông quyết định đi
theo nó. Nó dẫn các ông tới một nơi chưa ai từng bao giờ ngờ: tới làng quê
Bê-lem hẻo lánh, và tới một hài nhi mới sinh nằm gọn trong lòng một bà mẹ đơn
sơ nghèo hèn. Tín hữu chúng ta nắm rất rõ: ngôi sao lạ đó tượng trưng cho niềm
tin vào Tin mừng của mỗi chúng ta. Vâng, chỉ có Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô mới
có khả năng dẫn chúng ta tới gặp một vị Thiên Chúa, không chút hiển hách, không
đầy uy lực, nhưng là một Thiên Chúa quá ư gần gũi, quá là con người trong hình
hài một trẻ thơ, Thiên Chúa cứu độ của lòng từ nhân và hay thương xót, chứ
không phải một Thiên Chúa quyền uy, công thẳng luận phạt. Nếu ba đạo sĩ đã phải
gác qua một bên cái thứ lô-gích khôn ngoan thông thái thường ngày của họ để sấp
mình bái lạy một trẻ thơ trong căn lều nghèo nàn, thì Ki-tô hữu cũng vậy, càng
cho mình là đạo đức chính trực bao nhiêu, họ lại càng phải để cho đức tin làm một
cuộc cách mạng nơi mình, tôn thờ bái lạy vinh quang Thiên Chúa trong sự hiền
lành, từ nhân, thương xót và hay tha thứ.
Câu truyện còn cho thấy
có đối kháng sâu sắc giữa một bên là uy quyền thống trị và trừng phạt (điển
hình là vua Hê-rô-đê), với bên kia là sự yếu đuối ẩn dật của một Hài Nhi bé bỏng
nép mình bên hông mẹ. Quyền uy chinh phục có sức mạnh của nó và xem ra không thể
đội trời chung với lòng trắc ẩn nhân ái; cũng như uy quyền của bạo vương
Hê-rô-đê không thể đem ra chia sẻ với Tân Vương cứu độ mới sinh ra. Ở đâu có
nghiêm minh, ở đó không thể có chỗ cho lòng trắc ẩn xót thương, và ngược lại: sự
công thẳng nổi cộm như một quyền lực thống trị trong khi lòng nhân ái lại luôn
tỏ ra quá yếu ớt và lép vế. Chính vì thế mà một khi đề cao lòng trắc ẩn thương
xót thì nhiều người lại tỏ ra e dè sợ sệt; họ lo sợ sự hợp lý đầy uy lực của
‘lành thưởng dữ phạt’ sẽ bị phá đổ, và thế là họ rắp tâm ‘tiêu diệt’ lòng nhân
ái xót thương, ít là trong tư duy của riêng họ. Thiên Chúa giáng trần đã chọn
hình hài một thơ nhi yếu đuối ẩn dật để biểu lộ lòng xót thương cứu độ con người,
đó quả là vô cùng hợp lý… Có điều lúc này đây, Người đang bị những mưu toan
tiêu diệt hiểm độc của tên bạo chúa quyền uy…, để rồi hơn ba chục năm sau sẽ bị
chính con của hắn đồng lõa với đế quốc Rô-ma thống trị, kết án tử đóng đinh vào
thập giá.
Tôi sẽ tin vào Thiên
Chúa nào: Thiên Chúa quyền uy cao cả hay Thiên Chúa nghèo hèn nhưng đầy lòng
xót thương?
Lạy Hài Nhi đang ngủ yên trong vòng tay âu yếm của Mẹ hiền,
xin cho con đặt cược toàn bộ cuộc sống con trên sự nhỏ bé, yếu đuối của lòng
thương xót Chúa. Chính những lúc tâm hồn con lo sợ cuống quýt trước quyền lực
ghê sợ của công thẳng, xin cho con can đảm lao mình vào vòng tay hiền mẫu, để
con cũng có được giấc ngủ an lành trong tin tưởng phó thác vào lòng Chúa xót
thương. Xin che chở để con không bao giờ bị sự công thẳng Chúa nhấn chìm trong
lo âu sợ hãi, một vui hưởng sự an bình của những tâm hồn biết tín thác trọn vẹn
vào lòng nhân ái yêu thương. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc