Các bà tìm Giê-su Na-da-rét, người bị đóng đinh chứ gì?
Ấn tượng mạnh nhất mà tôi có khi đọc bài tường thuật biến cố Phục Sinh của Mác-cô là nỗi kinh hãi của các chứng nhân đầu tiên, nhóm phụ nữ ra thăm mồ từ sáng sớm. Không hề che đậy, tác giả Mác-cô đã hầu như cố tình lập đi lập lại mối hoảng sợ này, ‘Các bà hoảng sợ… Người thanh niên liền nói : “Đừng hoảng sợ!”... Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.” Tại sao họ lại hoảng sợ, tôi tự hỏi: vì họ là phụ nữ chăng? - Không hẳn thế (xem Mt. 28:4); vì người thanh niên mặc áo trắng chăng? - Lời chấn an cho thấy chàng không phải là nguyên nhân. Mối hoảng sợ tới chính từ ngôi mộ trống! Nếu tảng đá cửa mộ chưa được lăn ra, và rồi các bà tự tìm được cách vào bên trong để thấy xác Người còn đó, chắc hẳn họ sẽ mừng rỡ chứ không khiếp sợ đến thế. ‘Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ dùm ta đây?”’ Các bà hết hồn hết vía vì được loan báo: “Giê-su Na-da-rét bị đóng đinh… đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đặt Người đây này!”
Câu chuyện về Đức Giê-su của Mác-cô kết thúc đột ngột với trình thuật các phụ nữ khám phá ra ngôi mộ trống, và tiếp đó là một bài ngắn gọn ghi nhận một số lần Chúa, trong một sức sống hoàn toàn mới, đã hiện ra cho một số nhân chứng. Đối với tác giả, đây không còn là con người Giê-su mà người ta từng biết trước kia nữa, nhưng là một Giê-su được sinh lại trong Thần Khí để không bao giời chết nữa. “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2). Con người Giê-su Na-da-rét cũ đã kết thúc với “Người lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở” (Mc 15:37); sau đó một khoảng trống vắng lạnh lùng: ngôi mộ, nơi đã đặt xác Người, hoàn toàn trống rỗng; thế rồi một sức sống mới kỳ lạ xuất hiện và lan tỏa. Như vậy Phục sinh gồm cả hai phần: ‘ngôi mộ trống’ và ‘cuộc sống mới’ bởi Chúa Cha.
Ngôi mộ trống: Thoạt đầu tôi vẫn nghĩ ngôi mộ trống chỉ là một chi tiết nhỏ không có gì quan trọng. Nhưng rồi khi thấy cả bốn Phúc âm đều đề cập tới quang cảnh này cách rành rẽ tới từng chi tiết - đặc biệt Phúc âm Gio-an - tôi nhận ra nó phải có một ý nghĩa nào khác sâu sắc hơn hẳn một sự kiện vật thể đơn thuần. Đúng vậy, Ngôi mộ trống tượng trưng cho cả một khoảng cách biệt lớn lao và sắc nét giữa một Giê-su đã chết và một Giê-su Ki-tô với sự sống mới trong Thánh Thần. Ngôi mộ trống là biểu hiện sự khác biệt giữa một nhân loại chết trong tội và một nhân loại bừng sống trong tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Sự Vượt Qua của Đức Ki-tô không chỉ xóa tội, vượt qua tội lỗi (theo cách nói bình dân chúng ta thường dùng), mà là ban cho một sự sống hoàn toàn mới mẻ và kỳ lạ. Ki-tô hữu chúng ta quen gọi sự sống này là ‘sự sống của con cái Chúa’. Nếu hiểu đúng nội dung “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” mà Đức Giê-su đề cập tới trong cuộc đối thoại với Ni-cô-dê-mô, thì ta có thể coi ‘ngôi mộ trống’ như thời kỳ thai nghén chờ ngày cho chào đời một tạo vật hoàn toàn mới, như nhiều lần Phao-lô đã ví von.
Cuộc sống mới: Phục sinh thường được hiểu là sống lại, là trở lại từ cõi chết. Không hẳn chỉ có thế, hay nói cách khác, còn hơn thế nữa. Phục sinh đúng hơn là sinh lại, là đón lấy sự sống mới trong tình yêu xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Giê-su phục sinh, trong nội dung này, quả là một A-đam mới, là người đầu tiên ‘được sinh ra một lần nữa trong Thần Khí’ (Ga 3:3-8). Chắc chắn Phao-lô đã luôn hiểu Phục sinh theo nội dung này: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Ngắn gọn hơn Phao-lô khảng định: “Nếu đã cùng chết với đức Ki-tô, chúng ta sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Như thế, sống lại từ cõi chết chỉ là phụ, là nói theo cách tuần tự thời gian; điều chính yếu và quan trọng hơn là cuộc sống mới trong Thần Khí. Phục sinh không đơn thuần là chỗi dậy, ra khỏi mồ vào ngày thế tận; Phục sinh phải xảy ra trong đời Ki-tô hữu hàng ngày, đó là tiến trình làm chết mình (ngôi mộ trống rỗng) để được làm đầy với sức sống thần linh mới. Sống Ki-tô hữu là sống Ki-tô Phục sinh, sau khi đã chết cùng Ki-tô thập giá; “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21) phải được hiểu trong nội dung đó.
Trong tư cách một linh mục – tu sĩ, tôi thấy sống phục sinh đối với riêng mình là cả một chương trình và đòi hỏi; và trong hai điều kiện để có thể sống phục sinh, điều kiện mà tôi phải chủ động làm chính là làm trống rỗng con người mình. Thật là cả một thách đố, nhất là khi tôi đã tập cho có thói quen vun đắp con người mình nhiều quá!
Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã chết trên thập giá, đã tự hủy mình ra như không nơi ngôi mộ trống, nhưng đã được Chúa Cha sinh lại trong Thần Khí cho cuộc sống nghĩa tử mới. Một khi trở thành Ki-tô hữu, chính con cũng đang không ngừng thực hiện các bước đó cho riêng mình. Xin cho con thực thi được trọn vẹn hơn khẩu hiệu con chọn ngày nhận tác vụ linh mục: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô”. Xin cho con không thấy sợ tình trạng ‘ngôi mộ trống’, vì qua giai đoạn đó con mới có được sự sống mới hoàn toàn. A-men
Lm.Gioan Ty SDB
Lm.Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc