0
“Chúa không dửng dưng với chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có chỗ trong lòng của Ngài, Ngài biết đích danh chúng ta, chăm sóc và đi tìm chúng ta mỗi khi chúng ta bỏ Ngài. Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta; tình yêu không cho phép Chúa dửng dưng với những gì xảy đến với chúng ta” Đó là lời trong phần đầu của sứ điệp “Anh em hãy vững lòng” (Giac 5,8), mùa Chay 2015 của Đức Phanxicô.

Dựa trên Lời Chúa, Đức Thánh cho thấy sự ray rứt của mình về thái độ vô cảm đang diễn ra trên toàn thế giới. Với khẳng định, Thiên Chúa là Đấng không vô cảm, “Thiên Chúa không dửng dưng với chúng ta”, Đức Thánh Cha không dấu được nỗi đau thắt, khi đứng trước “hiện tượng toàn cầu hóa thói vô cảm” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Như tiếng kêu cứu thay những phận người xấu số, Đức Thánh Cha đòi cả Hội Thánh, đòi từng giáo xứ, từng cộng đoàn dòng tu, từng Kitô hữu hãy dấn thân, hãy hy sinh, hãy làm một điều gì cụ thể cho mọi người đau khổ; cho các nạn nhân của bạo quyền, bạo lực; cho việc đẩy lùi thói vô cảm, đẩy lùi sự an thân một cách độc ác của một phần lớn nhân loại.

Đức Thánh Cha thẳng thắn nói lên khao khát của mình: “Tôi mong muốn biết bao rằng nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo giữa lòng đại dương vô cảm!” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

I. HIỆN TƯỢNG VÔ CẢM.

Chúng ta còn nhớ giây phút cảm động trong chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng tại Philippines, giây phút một câu hỏi bất ngờ được cất lên từ miệng của một trẻ em: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”.

Đó là lời bé gái Glyzelle Iris Palomar 12 tuổi, hỏi Đức Giáo Hoàng. Em cùng một bé trai 14 tuổi là Juan Chura, đại diện những trẻ bụi đời đang được viện Tulayng Kabataan nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố của xã hội lên Đức Phanxicô, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo hoàng Học viện Santo Tomas.

Đang phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha, - sau khi kể hoàn cảnh mình là một bé gái bị bỏ rơi, bị vất ra ngoài lề xã hội; từng sống lang thang như bao nhiêu trẻ bụi đời; quá nhiều lần chứng kiến đồng bạn bị cha mẹ bỏ, rồi sa vào cạm bẫy của sự dữ: nghiện ngập, mãi dâm, cướp bóc, tù tội, bị giết hại, bị mọi người lên án, bị chà đạp nhân phẩm, bị chà đạp quyền sống… - em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn. Em nhìn lên Đức Thánh Cha, bất ngờ đặt câu hỏi như trên. Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt và nức nở khóc. Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi khác: “Và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế?". Người ta đã phải dỗ em trước khi đưa em lên bắt tay Đức Giáo Hoàng. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.

Hình ảnh một vị Giáo hoàng rưng rưng nước mắt và bé Palomar gục mặt mình vào lòng của ngài, là hình ảnh đẹp không thể nói hết. Hình ảnh đó lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất của chuyến tông du.

“Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”. Đó là câu hỏi của một em bé. Từ câu hỏi đắng lòng ấy, ta phải thấy những câu hỏi khác: Tại sao một trẻ thơ, một chồi non của thế giới phải ngậm ngùi cất lên câu hỏi đầy thương đau? Thế giới đã làm gì, con người đã làm gì, Hội Thánh đã làm gì cho những kẻ ngày đêm sống trong đau khổ? Đặc biệt, tất cả chúng ta có thấy trách nhiệm của mình trước đau khổ của con người, để đến nỗi, một em bé phải xót xa cất lên lời hỏi đầy thách đố cho đức tin, cho ý thức tôn giáo của cả Hội Thánh?

Chúng ta hãy ra khỏi vỏ bọc đạo đức của mình. Chúng ta hãy quan sát thế giới. Chúng ta hãy liên đới với người bị đau khổ xâu xé. Chúng ta không được đứng ngoài những gì diễn ra trong thân phận nghiệt ngã của người xấu số.

Thế giới không được phép vô cảm. Hội Thánh không được phép vô cảm. Giáo xứ và các cộng đoàn không được phép vô cảm. Từng tín hữu Kitô không được phép vô cảm.

“Em ngươi đâu?” (St 4, 9), là câu hỏi Chúa đang tra vấn từng người chúng ta. Vì đó là lời Chúa hỏi, nên chúng ta phải luôn ghi tâm khắc cốt mà sống, mà hành động để trả lời cho Chúa, nhờ sự nỗ lực dấn thân của mỗi chúng ta. Hãy chiến đấu để chiến thắng sự vô cảm hằng tồn tại nơi mỗi con người.

II. ĐỌC SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2015.

Đức Thánh Cha đòi chúng ta, không phải riêng một cá nhân nào, nhưng là toàn bộ, từ cộng đoàn Hội Thánh, các cộng đoàn giáo xứ, các dòng tu, đến từng Kitô hữu, hãy tỉnh thức, đừng để thái độ vô cảm xâm lấn, thống trị mình.

1. Hội Thánh.

Dù sự vô cảm là thái độ tàn nhẫn mà thế giới có thể gây nên cho mình, Hội Thánh không được phép sợ hãi. Hãy như Chúa Kitô, chúng ta phải đi vào lòng thế giới: “Thiên Chúa không dửng dưng đối với thế giới chúng ta, Ngài yêu thương thế giới đến độ ban Con của Ngài để cứu rỗi chúng ta. Trong mầu nhiệm nhập thể, trong cuộc sống trần thế, trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa, cánh cửa giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất, đã mở ra một lần và luôn mãi. Giáo Hội như bàn tay giữ cho cánh cửa ấy luôn mở, qua việc công bố Lời Chúa, cử hành các bí tích, và làm chứng cho đức tin sống động nhờ đức ái (x. Gl 5,6). Nhưng thế giới lại có xu hướng thu mình lại và đóng chặt cánh cửa mà qua đó Thiên Chúa đi vào thế giới và thế giới đến với Thiên Chúa. Thế nên nếu Giáo Hội, như là bàn tay, có bị từ khước, bị nghiền nát và mang thương tích thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Qua việc trưng dẫn câu Kinh Thánh: “Nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau” (1Cr 12,26), Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và Hội Thánh. Không thể đơn phương chống lại căn bệnh vô cảm, chúng ta cần chiến đấu cùng toàn thể Hội Thánh.

Cả Hội Thánh nên một trong Chúa Kitô, liên kết với Chúa Kitô. Vì thế, hành động của Chúa Kitô phải trở thành hành động của cả Hội Thánh. Nếu Chúa Kitô đã cúi xuống rửa chân cho Hội Thánh, thì Hội Thánh cũng phải theo gương Chúa Kitô mà phục vụ con người. Bởi “chỉ có người nào ‘dự phần’ với Ngài (Ga 13, 18) thì mới có thể phục vụ người khác” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy sống bí tích Thánh Thể. Chỉ có nơi bí tích kỳ diệu này, “chúng ta trở thành điều mà chúng ta lãnh nhận: trở nên Thân Mình Chúa Kitô” (Sứ điệp mùa Chay 2015). Hãy nhớ, Chúa Kitô không vô cảm, vì thế, khi đã là thân mình Chúa, “không có chỗ cho thói vô cảm rất thường chiếm lĩnh tâm hồn chúng ta. Vì ai thuộc về Chúa Kitô thì cũng thuộc về một thân mình duy nhất và trong Chúa chúng ta không được dửng dưng đối với nhau.‘Vì nếu một chi thể đau, thì mọi chi thể cùng đau; và nếu một chi thể được vinh dự thì mọi chi thể đều được chia sẻ niềm vui ấy’(1 Cr 12,26)” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Đừng chần chừ thêm nữa, nhưng hãy bắt tay làm một cái gì đó cho người bên cạnh ngay từ bây giờ. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác. Những dấu chỉ tuy bé nhỏ nhưng cụ thể này nói lên rằng chúng ta thuộc về một cộng đoàn Hội Thánh duy nhất.

2. Các giáo xứ và các cộng đoàn.

Bắt đầu từ lời hỏi: “Em ngươi đâu?” của sách Sáng thế, Đức Thánh Cha đòi từng giáo xứ, từng cộng đoàn phải trả lời những câu hỏi cấp thiết của ngài: “Những gì đã nói về Giáo Hội hoàn vũ thì cũng phải được áp dụng cho đời sống của các giáo xứ và các cộng đoàn. Các tổ chức Giáo Hội này có giúp chúng ta cảm nghiệm được mình thuộc về một thân mình duy nhất hay không? Một thân mình lãnh nhận và chia sẻ những gì Thiên Chúa muốn ban tặng? Một thân mình biết nhận ra và chăm sóc những phần tử yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất và bé nhỏ nhất? Hay chúng ta trốn chạy vào một tình yêu phổ quát, ôm trọn cả thế giới mà lại không nhìn thấy người nghèo Lazarô ngồi trước cửa nhà đóng kín của chúng ta? (x.Lc 16,19-31)” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Đức Giáo Hoàng nhắc nhở chúng ta, ngay cả các thánh trên thiên quốc, dù đã hoàn thành cuộc đời trần thế, dù đã chiến thắng thói vô cảm, vẫn “không hoan hỉ vì đã quay lưng với những đau khổ của trần thế để vui mừng trong cảnh huy hoàng của riêng mình” (Sứ điệp mùa Chay 2015). Để minh chứng rằng,“các thánh vẫn đồng hành với chúng ta trên đường lữ thứ”, niềm vui của các ngài chưa trọn vẹn, khi “tình yêu chưa thấm nhập vào toàn thế giới”, Đức Thánh Cha đã nhắc đến lời một vị thánh trẻ nổi tiếng: “Thánh Têrêsa Lisieux, tiến sĩ Hội Thánh, đã bày tỏ xác tín rằng niềm vui trên trời về chiến thắng của Tình yêu chịu đóng đinh vẫn chưa trọn vẹn bao lâu còn một người trên trần thế phải chịu đau khổ và khóc than: ‘Con hy vọng rằng ở trên trời con sẽ không phải ngồi không, mong ước của con là vẫn tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và cho các linh hồn’ (Thư 254 ngày 14.7.1897)” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Các thánh trên trời mà còn “không phải ngồi không”, thì nhất thiết, chúng ta không được phép chểnh mảng bổn phận. Đức Thánh Cha đề nghị hai cách để giáo xứ và cộng đoàn dấn thân cho sự không vô cảm: 1. Liên kết với các thánh “trong chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh”, để đủ sức mạnh “vượt thắng thói vô cảm và cứng lòng”, 2. “Ra khỏi chính mình để dấn thân vào đời sống của xã hội rộng lớn hơn mà mình cũng là thành phần, nhất là với những người nghèo và những người ở xa Giáo Hội” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

3. Mỗi tín hữu.

Từ gợi hứng của thánh Giacôbê, “Anh em hãy vững lòng!” (Giac 5,8), Đức Giáo Hoàng đưa ra nhận xét:“Cả trong tư cách là những cá nhân, chúng ta cũng bị cám dỗ sống vô cảm. Khi bị chìm ngập trong những tin tức và hình ảnh kinh hoàng về đau khổ của con người, chúng ta thường cảm thấy mình hoàn toàn không có khả năng giúp đỡ” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Từ nhận xét ấy, Đức Phanxicô đặt vấn đề: “Phải làm gì để không bị vướng vào cái vòng xoáy khốn cùng và bất lực ấy?”. Ngài đòi mỗi cá nhân hãy giải quyết vấn đề tưởng chừng bất lực ấy, dựa trên ba nền tảng:

a. Cầu nguyện:“Chúng ta có thể hiệp thông cầu nguyện với Giáo Hội ở trần thế và Giáo Hội trên thiên quốc. Chúng ta đừng coi thường lời cầu nguyện có sức mạnh của biết bao người hiệp nhất với nhau! Sáng kiến 24 giờ cho Chúa, mà tôi mong ước sẽ được cử hành vào các ngày 13-14 tháng Ba trong toàn Giáo Hội, cả ở cấp giáo phận, sẽ là dấu chỉ cho thấy cần thiết phải cầu nguyện” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

b. Bác ái: “chúng ta có thể giúp đỡ bằng những việc bác ái, cho những người ở gần cũng như những người ở xa Giáo Hội, qua nhiều tổ chức bác ái của Giáo Hội. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác, qua những dấu chỉ –tuy bé nhỏ nhưng cụ thể– nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

c. Hoán cải: “đau khổ của người khác là một lời mời gọi hoán cải, vì sự thiếu thốn của họ nhắc nhở tôi rằng cuộc đời tôi rất mong manh, và tôi lệ thuộc vào Thiên Chúa và anh chị em mình. Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin ơn Chúa và chấp nhận những giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ tin tưởng vào những khả năng vô biên mà tình yêu của Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta. Và chúng ta có thể chống lại cám dỗ của ma quỷ khi tưởng mình có thể cứu thoát bản thân và thế giới bằng sức riêng mình” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

Màu tím Mùa Chay diễn tả sự sầu khổ và lòng thống hối trong tâm hồn. Nhờ đó, mỗi Kitô hữu trở về cùng Thiên Chúa tình yêu. Ý thức thân phận mỏng dòn của mình, ta “đừng sợ”, nhưng can đảm nhìn lên Thánh giá, cậy nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, triều thần thánh và mọi anh chị em nơi dương thế, mà gắng sống chính tình yêu của Chúa, như Chúa yêu ta.

Với lòng chân thành, muốn thực tâm đẩy lùi thói vô cảm, từng người hãy cùng vị Cha chung tha thiết cầu nguyện: “xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa (kinh cầu Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu)” (Sứ điệp mùa Chay 2015). Nhờ đó, con tim mỗi người trở nên đền thờ Chúa Thánh thần, Đấng dẫn dắt ta đi trên những nẻo đường tình yêu, đến với anh chị em bằng việc chia sẻ chính bản thân ta. Rồi nhờ đến cùng anh chị em, ta nhận ra sự nghèo nàn của chính mình vốn cần được Thiên Chúa làm cho đầy tràn.

Có nhận ra sự nghèo nàn của mình, ta càng dễ dàng để Chúa ưốn nắn. Nhờ đó, ta “có được một con tim mạnh mẽ và biết xót thương, ân cần và quảng đại, một con tim không thu mình lại, không vô cảm hay rơi vào cám dỗ của nạn toàn cầu hóa thói vô cảm” (Sứ điệp mùa Chay 2015).

III. DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU (x.Lc 10, 30-37).

Năm 2015, năm Đời Sống Thánh Hiến. Chúng ta hãy hồi tâm để ăn năn tội về những lỗi phạm đến đời thánh hiến và trong đời thánh hiến của chúng ta. Tôi thiết nghĩ, hình ảnh tư tế, Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu đáng để chúng ta suy nghĩ mà cãi thiện đời sống, mà ăn năn thống hối theo tinh thần mùa chay, mà chết cho con người cũ, phục sinh con người mới trong ơn phục sinh của Chúa Kitô.

Kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, Chúa “lật đổ” thái độ vô cảm của hàng giáo sĩ trong Hội Thánh. Hãy nghe Chúa nói về hàng giáo sĩ của Chúa: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống, nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lêvi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua một bên mà đi…”.

Tư tế là ai? Lêvi là ai? Đó là những người tương đương bậc “chân tu” thời đại. Họ là giám mục, linh mục của Chúa.

Qua hình ảnh tư tế, Lêvi, đã làm ngơ, đã thể hiện sự vô cảm đến độ độc ác trước thực trạng của người bị cướp đánh có nguy cơ mất mạng sống, trở thành một gương mù, một phản chứng lớn vô cùng đối với chính đời dâng hiến của họ.

Mặc dù Chúa không trực tiếp kết tội, nhưng trong mấy từ “tránh qua bên kia mà đi”, cho thấy Chúa không bằng lòng. Tại sao lại tránh?

“Tránh qua bên kia” nghĩa là người bị tấn công đang bất động ngay dưới chân mình, cản bước mình. Ngay dưới chân nên mới phải “tránh” mà đi!

Họ đã bước vào đời hiến dâng, họ dạy người khác phải hy sinh, phải hướng thiện, phải chấp nhận bỏ mình vì tha nhân, sao chính họ lại không hiến thân?

Họ dạy phải nhân từ, phảy yêu thương, sao họ vô cảm trước nỗi đau của đồng loại?

Thôi thì hãy cố tìm lý lẽ tốt để biện minh giúp những người đang bị “kết tội”: Họ sợ hãi! Bởi sợ nên vô tâm. Tư tế và Lêvi vô tâm đối với người bị cướp vì họ sợ nhiễm ô uế.

Luật Do thái quy định, ai đụng chạm vào người ngoại giáo, nhất là đụng chạm vào xác chết sẽ bị nhiễm ô uế.

Cứ cho rằng, người bị cướp có thể là người ngoại, lại còn sắp chết. Vì thế, để khỏi nhiễm ô uế, tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã “tránh qua bên kia mà đi”.

Dù vậy, sự “kết tội” Chúa quy cho những nhà “chân tu” của dụ ngôn, khó có ngôn từ khả dĩ giúp họ có thể “chạy tội”.

Mặt khác, vì lời Chúa dạy: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng ra, các con phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục…”, và các tư tế, Lêvi xưa không được phép sợ mà “tránh sang bên kia”, thì những nhà “chân tu” ngày nay càng không được phép vô cảm.

Thế nhưng, biết đâu vẫn còn những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh sống trong sự nơm nớp lo sợ tương tự như thế. Chẳng hạn như sợ không được xây nhà thờ mà đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh bất công của giới cầm quyến.

Hoặc vì quyền lợi tư riêng mà ngậm miệng trước cảnh người nghèo bị áp bức. Hoặc vì để dễ sống, để yên thân sống mà không thèm đếm xỉa gì đến những anh chị em đang bị đố kỵ, bị rẻ rúng, bị chà đạp quyền sống…

Thế giới quanh ta vẫn còn đó, rất nhiều những người bị “cướp” như hình ảnh người bị cướp trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu.

Đó là những bào thai không phương thế tự vệ, vẫn bị giết, bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ không thương tiếc. Cho đến nay, dù mỗi năm Hội đồng Giám mục Việt Nam họp hai lần, vẫn chưa bao giờ có một tiếng nói chính thức nào phản đối, hay chí ít là kiến nghị về luật cho phép phá thai. Chính do luật này, mà ngày nay Việt Nam đã “được nâng lên” hàng “top” thế giới. Thật mỉa mai! Thật chua xót! Một quốc gia nghèo, lạc hậu, không phải vươn lên hết nghèo, hết lạc hậu, mà lại “vươn lên” hàng đầu về thảm trạng phá thai.

Đó là những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ khi người ta buộc các em phải lao động nặng nhọc, phải tham gia vào con đường tội ác, phải đem chính giá trị tuổi thơ của mình phục vụ những kẻ mang hình người nhưng lương tâm thú tính trong các nhà chứa, trong các đường dây tình dục… Và còn biết bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ phải chấp nhận sống chui rúc ở bãi rác, gầm cầu, phố chợ…

Đó còn là những mảnh đời ngụp lặn trong dòng đời nhầy nhụa, mất định hướng sống, mất niềm hy vọng sống. Cũng có thể họ là những người sống lương thiện, nhưng bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chèn ép, bị bóc lột, bị hiếp đáp…

Đó còn là những cụ già bị bỏ quên trên góc phố, bị mất tất cả sức lao động, nhưng vẫn phải lê thân từng ngày đội nắng, đội mưa bán vé số, lượm ve chai, ngửa tay xin lòng trắc ẩn của mọi người…

Tất cả những người ấy, đều rất cần chúng ta, những bàn tay của người Samaritanô thời đại. Chúng ta hãy dẹp bỏ thái độ vô tâm của tư tế, Lêvi để cúi xuống trên những anh chị em đau khổ của mình. Hãy nhớ rằng, chỉ khi trở thành người Samaritanô, ta mới thật sự là anh em của những người “bị cướp” ấy.

Lẽ ra chúng ta phải mang trong lòng mình, khắc sâu trong nội tâm mình tình yêu của Thiên Chúa, thái độ âu yếm, cảm thông của Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa dạy yêu thương để sống nhân ái hơn, quan tâm hơn, gần cận anh chị em của mình hơn…

Trong khi đó, nhiều người không đứng trong hàng ngũ “chân tu” như chúng ta, thậm chí họ chỉ là người ngoại giáo như người Samari ngoại giáo, lại sống đức tin, sống lời của Chúa, sống phù hợp thánh ý Chúa, sống đúng theo lề luật Chúa.

Thật trớ trêu, thật mâu thuẫn, và đáng xấu hỗ cho những người sống đời thánh hiến có thói vô cảm của tư tế, Lêvi trong dụ ngôn: Bởi họ luôn là biểu tượng của những người sống gần Thiên Chúa, nhưng hình như lòng họ không có Chúa bao nhiêu. Còn những người Samaritanô giữa đời, cứ tưởng nơi lòng họ “chất đời” nhiều hơn “chất Chúa”, thì hành động của họ lại cho thấy lòng họ “đầy Chúa”.

Chúng ta chỉ hãy mang hình ảnh người ngoại giáo Samaritanô hiên ngang sống cho đức tin, hiên ngang lao vào mọi mặt trận của đời sống con người để đánh phá mọi thứ “cướp”, trả lại cho con người cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Bất cứ khi nào ý thức mình là người sống trong đời tu, ý thức mình đã hiến dâng cho Chúa, thì càng can đảm bênh vực sự thật, công lý, tình yêu, con người… Hãy loại trừ hình ảnh tư tế, Lêvi ích kỷ, chỉ tìm vinh thân mà bỏ qua mọi điều tốt phải thực thi, không hề đoái hoài đến những con người bất hạnh, dù họ có ở ngay trước mắt mình.

Càng sống lâu trong đời tu, những người đã thánh hiến cho Chúa càng phải học lấy tinh thần bất khả nhượng của các thánh Tử Đạo Việt Nam, mà đối đầu trước mọi gai chướng, mọi thương đau, mọi cùng cực, mọi bẻ bàng của nhiều anh chị em quanh mình.

Tất cả chúng ta, dù là tu sĩ, hay linh mục, đã là Kitô hữu, hãy đào tạo lương tâm mình thành người hữu dụng cho Thiên Chúa, cho Hội Thánh và cho cuộc đời. Hãy đào tạo mình thành người có tâm, biết chạnh lòng thương, biết nhìn đến nhu cầu của con người, không sống vô tâm, không sợ hãi bất cứ điều gì. Vì chính khi sống vì hạnh phúc của người khác, ta sẽ bắt gặp hạnh phúc của chính mình.

Chúng ta hãy đinh ninh luôn luôn lời Chúa kết luận cho dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Hãy đi, và làm như vậy” (Lc 10, 37), để dấn thân, để can đảm, để ra khỏi chính mình, để sáng danh Chúa, để làm cho không còn tình trạng “cướp”.

Chiều ngày áp lễ thánh Giuse

18.3.2015

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top