CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY
Suy niệm Tin Mừng Ga 12:20-33
Giờ Con Người được tôn vinh
‘Ad Magiorem Dei Gloriam’ là một khẩu hiệu được nhiều dòng tu lựa chọn, tuy nhiên, ‘vinh quang Thiên Chúa – Gloria Dei’ hệ tại ở điều gì, và khi nào thì Thiên Chúa thật sự được tôn vinh thì vẫn là một điều cần minh định. Không ít lần ta được nghe giải thích, giờ phút vinh quang của Đức Giê-su chính là khi Người phục sinh vinh hiển. Người ta thường chú giải câu “nếu chết đi, hạt lúa mới sinh được nhiều hạt khác” như sau: ‘Chúa Giê-su để di thể của Người chôn vùi trong lòng đất, để khi ra khỏi mồ, chính thân thể đã được vinh quang ấy sẽ là tụ điểm của tất cả mọi người tín hữu (lời chú giải Ga 12:24 trong ‘Christian Community Bible’). Chúng ta quá quen thuộc với câu nói thường được nhắc đi nhắc lại: ‘Qua thập giá tới vinh quang – Per Crucen ad Lucem’. Câu nói đó hàm ý, cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá chỉ là phương tiện trung gian, là con đường đưa tới vinh quang mà thôi, còn tự nó chẳng vinh quang chút nào hết, toàn là đau đớn và nhuốc khổ! Nói như thế quả là hợp lý theo lối nhìn thường tình nhân loại, tuy nhiên hình như đó không phải là điều mà Đức Giê-su đã xác quyết. Đọc kỹ một chút Tin Mừng Gio-an chương 12 ta nhận ra ngay: Đức Giê-su công khai khảng định: chính giờ chết thập giá, khi Con Người được ‘giương cao lên khỏi đất… là lúc ngài được tôn vinh’.
Tại sao thời điểm chịu chết lại là giờ phút Con Người được tôn vinh? Cứ theo thói tự nhiên thì không có cách nào lý giải hết, bởi vì “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này!” Trong tư cách người phàm, Đức Giê-su cũng đã quằn quoại trước giờ tử nạn, và các Thánh Sử đã không hề muốn che đậy điều này; “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14:34); ‘Lòng xao xuyến bồi hồi… Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22:44). Thế thì vì lẽ nào mà cái giờ phút kinh hoàng tột độ đó, khi mà chính Người còn mong trốn thoát, lại có thể được Người gọi là đỉnh điểm (kairos) ‘được tôn vinh’? Và không chỉ tôn vinh riêng Người, mà còn là giờ phút cả Chúa Cha cũng được tôn vinh nữa, ‘Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha… Bấy giờ có tiếng phán từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa”.
Có thể ai đó trong chúng ta cho rằng đó chỉ là một kiểu nói, một lối diễn tả bóng bảy. Nếu quả đúng là như thế thì chẳng có gì đáng bàn thêm! Tuy nhiên tác giả Gio-an lồng tuyên bố mang tính mạc khải này trong một khung cảnh trang trọng hiếm thấy: một số người Hy Lạp yêu cầu được gặp Đức Giê-su qua trung gian các môn đệ Phi-líp-phê và An-rê; họ chân thành muốn tìm hiểu về Thầy Giê-su, nhân vật được họ nể phục. Câu tuyên bố họ nhận được sau đó quả là một cú sốc, như sau này Phao-lô sẽ nhận xét: “… người Hy-lạp tìm kiếm lẽ không ngoan… sẽ cho là điên rồ”. Nhưng rồi cũng chính Phao-lô mạnh dạn khảng định thêm: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng Ki-tô chịu đóng đinh ấy, chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa…” (1 Cr 1:23-24)
Như vậy Ki-tô hữu chân chính sẽ không phải là người lên tiếng khảng định ‘per Crucem ad lucem’ theo lẽ thường tình, mà phải là những người có khả năng xác quyết với niềm thâm tín sâu xa nhất ‘Crux est lux – Thập giá chính là vinh quang!’ Như môn đệ Gio-an, chỉ khi ngước nhìn lên thập giá, họ mới nhận rõ một điều ‘Thiên Chúa là tình yêu… Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi…’ Nơi thập giá mỗi Ki-tô hữu nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa Tình Yêu rạng ngời, “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14). Gio-an đã coi chứng từ thập giá là quan trọng hơn hết trong niềm tin của mình: “người xem thấy việc này đã làm chứng, và chứng của người ấy xác thật. và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Chưa nhận ra được vinh quang Thiên Chúa nơi thập giá thì cũng chưa thể nói là mình đã trọn vẹn xác tín rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’, vì đây chính là mạc khải độc nhất vô nhị mà Đức Giê-su cất công đến trần gian để khai mở bằng thập giá của Người. Vì thế cho nên Người mới gọi giờ phút thập giá là ‘Kairos’, “giờ Con Người được tôn vinh… và chính vì giờ này mà con đã đến”. Giờ phút quan trọng nhất đời Đức Giê-su chính là ‘khi được giương cao lên khỏi mặt đất’ (‘ám chỉ Người phải chết cách nào’) vì chính lúc đó ‘tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi’, chứ không phải lúc sống lại ra khỏi mồ hay lên trời hiển vinh. Như vậy niềm tin Ki-tô hữu trước hết và trên hết phải là niềm tin Thập giá trước cả niềm tin phục sinh, vì phục sinh, xét cho cùng, cũng chỉ là Thập Giá tình yêu chiến thắng. “Ave Crux Gloria!”
Tôi cử hành vinh quang thập giá ra sao trong mỗi Thánh Lễ để, cho riêng cá nhân tôi, Thánh Lễ sẽ trở thành một lời ca tụng và cảm tạ vinh quang đích thực mà Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su đã mạc khải cho tôi được biết: ‘Thiên Chúa là tình yêu’?
Lạy Đức Giê-su bị giương cao trên thập giá, con tôn thờ Thánh giá Chúa, con suy tôn Thiên Chúa vinh quang của tự hiến, xót thương và cứu độ. Xin cho con có khả năng luôn đọc được nơi thập giá Chúa chịu đóng đinh một chữ T và chữ Y sáng ngời (T là hình tượng thập giá và Y là hình tượng Giê-su chết treo trên đó), một Tinh Yêu vinh quang, vinh quang không phải cho ai khác mà là cho chính sự thấp hèn của con. Càng nhìn nhận mình tội lỗi yếu hèn, hình như con lại càng có khả năng nhận ra vinh quang sáng chói của thập giá. Xin gia tăng nơi con khả năng sống niềm tin thập giá này, bây giờ và nhất là trong giờ lâm tử. A-men
God bless
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc