Cảm nghiệm riêng tư và phổ quát trong biến cố Truyền Tin
Truyền tin là một biến cố trọng đại, nhưng chỉ xảy ra có một lần duy nhất và chỉ cho một người mà thôi là Đức Ma-ri-a, thế nhưng hiệu quả của biến cố này lại trải dài qua hết mọi thế hệ. Nói như thế ta không chỉ đề cập tới hiệu quả cứu độ, nhưng còn cả về mặt thiêng liêng và cảm nghiệm của nó nữa. Nếu biến cố này đã mang lại ơn cứu độ cho hết thảy mọi người - và đó là lý do Ki-tô hữu chúng ta nhắc nhở tới nó thường xuyên - thì sống nó với những cảm nghiệm cụ thể càng làm cho đời sống đức tin của ta nên phong phú mọi đàng. Sống biến cố truyền tin cách cụ thể trong không gian và thời gian của nó thì chỉ một mình Đức Ma-ri-a mới có được, còn sống hiệu quả của biến cố này thì cảm nghiệm riêng tư của người thôn nữ có thể được san sẻ cho từng Ki-tô hữu và cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại. Vì lợi ích lâu dài của đời sống thiêng liêng Tin Mừng, thiết tưởng chúng ta nên có một lần xác định và phân tích rõ các cảm nghiệm ấy.
Cảm nghiệm riêng tư:
Trong tâm tình một thiếu nữ khiêm hạ đang chờ đón Đấng Cứu Tinh Mê-si-a, Ma-ri-a đã kinh ngạc tột độ trước lời chào đầy bí ẩn sặc mùi tâng bốc của một nam nhi xa lạ. Thông điệp mà sứ thần truyền đạt lại càng gây sốc hơn nữa: “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai… Người sẽ nên cao cả…” Dầu các thắc mắc có được giải đáp cặn kẽ nhưng Ma-ri-a vẫn chẳng hiểu gì nhiều. Điều duy nhất cô có thể làm là phó mặc mình cho Thiên Chúa quyền năng cao cả hành động, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được”. Lời đáp trả cuối cùng của cô cũng mang tính rất cổ điển và thụ động, nặng chất Cựu Ước: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Biến cố và các phản ứng mang tính riêng tư và cá nhân của Ma-ri-a chắc chắn còn lẩn quẩn trong đầu cô một thời gian dài, và đã được cô ‘ghi nhớ… và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Chính trong thời gian suy đi nghĩ lại đó mà dần dần Ma-ria đã cảm nghiệm được một điều gì đó vượt xa những phản ứng tự nhiên ban đầu. Cảm nghiệm hậu truyền tin đó đã được Ma-ri-a thốt lên sau chuyến đi dài ngày thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (Lc 1:46-56), nó tương phản trực diện với những phản ứng đã có trong biến cố ‘truyền tin’ riêng tư. Cảm nghiệm tiếp theo này mang tính Tin Mừng hơn, không chỉ giới hạn cho riêng một mình Ma-ri-a, và đó chính là cảm nghiệm phổ quát có thể đem ra chia sẻ với mọi kẻ có lòng tin.
Cảm nghiệm phổ quát:
Trái ngược với cảm nghiệm ban đầu là bối rối sợ hãi trong căn phòng bưng bít tại Na-da-rét, cảm nghiệm hậu suy niệm của Ma-ri-a về cùng một biến cố ‘truyền tin’ đó lại là ‘hớn hở vui mừng’. Thay vì e dè thắc mắc, cô đã tích cực cất lời ngợi khen Đức Chúa vì ‘Người đoái thương nhìn tới’ thân phận hèn mọn của mình nói riêng, của dân tộc Do Thái và của toàn thể nhân loại nói chung. Nhưng trước hết và trên hết trong cái cảm nghiệm mới mẻ này là: thay vì chỉ nghĩ tới quyền năng cao cả của Đức Chúa, Đấng toàn năng có thể làm nên mọi sự cho riêng mình hay cho dân riêng, Ma-ri-a bắt đầu khám phá ra một Đức Chúa hoàn toàn khác, Người có dung mạo ‘hằng thương xót’ và lòng nhân ái bao trùm trên mọi người, và nó trải dài từ ‘đời nọ tới đời kia… dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. Cảm nghiệm mới mẻ này, theo suy luận của Ma-ri-a, sẽ làm đảo lộn tất cả mọi trật tự vốn có. Nó có quyền năng và sức mạnh làm cho ‘kẻ đói nghèo, người khiêm hạ’ được đặt lên trên cả các bậc quyền thế và người giầu sang. Lịch sử từ nay sẽ không còn là sân khấu để Đức Chúa thi thố sức mạnh toàn năng của Người trên những kẻ hùng mạnh như trước đây, nhất là trong lịch sử dân Ít-ra-en với các biến cố hoành tráng (điển hình trong sách Xuất Hành, các chương 8-15), nhưng sẽ là hiện trường để Người thể hiện lòng thương xót vô biên cho hết mọi người, đặc biệt cho các người tội lỗi và những kẻ thấp kém. Với cảm nghiệm này Ma-ri-a đã chính thức trở thành người đầu tiên thấu hiểu Tin Mừng, là người đầu tiên lớn tiếng ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa qua bài ca bất hủ: ‘Magnificat – Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa’.
Với việc mừng biến cố ‘Truyền Tin’ như ngày lễ hôm nay, hay thói quen phổ biến đọc kinh ‘Truyền Tin’ ngày ba lần, hoặc vắn gọn hơn qua từng kinh ‘Kính Mừng’ của tràng hạt Mân Côi, Hội Thánh không những chỉ muốn chúng ta suy gẫm cách chung về biến cố nhập thể và cứu độ đã từng xẩy ra, nhưng còn muốn chúng ta cùng với Ma-ri-a đào sâu vào những cảm nghiệm nền tảng của cuộc sống Tin Mừng. Sau khi đã thuật lại biến cố truyền tin riêng tư của mình cho chúng ta được biết và đón nhận sự kiện cứu độ trọng đại đó, Ma-ri-a đã không ngần ngại chia sẻ với từng Ki-tô hữu chúng ta cảm nghiệm sâu sắc của mình về Thiên Chúa nhân ái và xót thương, Khi làm điều đó, Ma-ri-a đã thể hiện cách rõ rệt và hữu hiệu nhất vai trò hiền mẫu của mình, đó là dẫn đưa Hội Thánh và toàn nhân loại tới lòng thương xót cứu độ vô biên của Thiên Chúa, được thể hiện qua việc Con Chúa giáng trần, chịu chết trên thập giá và sống lại hiển vinh.
Sống biến cố và tâm tình truyền tin để luôn hiển hiện cách cụ thể niềm tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa yêu thương trong cuộc sống, thiết tưởng đó là nội dung và cách thức tôn sùng Đức Mẹ cách thâm sâu nhất.
Lạy Trinh Nữ Ma-ri-a đầy ơn phúc, xin cho con được gia nhập vào số những người ‘đói nghèo’ như Mẹ, để con được cũng được quyền năng mới của Đức Chúa tác động và biến đổi, quyền năng của lòng nhân ái và xót thương. Cùng với Mẹ con sẽ đi vào cảm nghiệm này, qua rất nhiều dịp trực tiếp hay gián tiếp khi đề cập tới biến cố ‘truyền tin’ của riêng con. Cùng Mẹ và trong Mẹ, con cũng muốn để cho biến cố cứu độ và quyền năng nhân ái của Chúa biến đổi mình tận căn, và cùng với Mẹ tâm hồn con cũng sẽ hân hoan nhảy mừng ca ngợi lòng thương xót Chúa đến muôn đời. A-men
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc