0


CHÚA HIỂN LINH
Suy niệm Tin Mừng Mt 2:1-12

Hiển linh con người được giải thoát

            Theo chú thích trong cuốn Christian Community Bible của hai tác giả Bernard Hurault và Louis Hurault thì ‘vào thời kỳ các sách Tin Mừng được biên soạn, văn chương Do Thái thích đưa ra những truyện tường thuật lại thời thơ ấu của các người hùng trong Kinh Thánh: truyện ông Áp-ra-ham, truyện ông Mô-sê vừa được viết xong. Tương truyền rằng một ngôi sao đã báo cho vua Pha-ra-ô biết một vị cứu tinh của người Híp-ri sắp chào đời, do đó nhà vua quyết định giết tất cả các bé trai, nhưng Mô-sê đã được cứu thoát. Trong giới Ki-tô hữu cũng vậy, có những chuyện dân gian thuật lại các mẩu chuyện về thời thơ ấu của Chúa Giê-su mà Tin Mừng không hề ghi chép. Chính trong bầu khí này mà tác giả Mát-thêu mượn lại một số truyền thuyết. Đây là cơ hội cho ông nói rõ, như trong một lời tựa của sách Tin Mừng, sứ mạng của Chúa Giê-su là thế nào’ (Xem ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ Tân Ước, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006, trang 30).
Câu chuyện ‘Các nhà chiêm tinh đến bái lạy đức Giê-su Hài Nhi’, mà ta quen gọi là biến cố hiển linh hay xưa hơn nữa là sự kiện ‘Ba Vua tới thờ lạy’, được Mát-thêu tường thuật ngay sau đoạn Giu-se được báo mộng về việc Ma-ri-a thụ thai, ‘sẽ sinh một con trai’ và ông sẽ ‘đặt tên cho con trẻ là Yê-su-a’ (Mt 1:18-25). Như thế khi thuật lại truyền thuyết này, tác giả hầu như muốn nêu lên ý tưởng Hài Nhi Giê-su chính là một Mô-sê mới: nhân vật chính mình đã từng là ‘người được cứu thoát’ của Thiên Chúa, và sau này sẽ trở thành cứu tinh của cả một dân tộc. ‘Được cứu’ như Mô-sê, Hài Nhi Giê-su thể hiện nơi mình ước vọng của toàn thể nhân loại, nhưng đồng thời Người cũng là Thiên Chúa Cứu Độ, đúng với cái tên Yê-su-a thiên sứ đã báo trước. Nhân tính và Thiên tính gặp gỡ và kết hợp trọn vẹn nơi Trẻ Thơ Bê-lem là thế; nhân tính Người hiện thân cho nhân loại ‘được cứu thoát’, trong khi thiên tính lại biểu lộ ‘Thiên Chúa tích cực cứu độ’. Ngôi sao định mệnh của Người quả là độc đáo, và đã được nhiều nhà chiêm tinh nhận ra, ‘chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông’: ngôi sao chỉ rõ giải thoát và được cứu thoát đã gặp gỡ nhau, và cả hai đều được thể hiện cách trọn vẹn. Khi điều đó được thực hiện tức là nhân loại đã có một số phận mới; lịch sử nhân loại đã hoàn toàn bị đảo lộn. Các nhà chiêm tinh (hay đạo sĩ) cất công lên đường tìm tới bái lạy Hài Nhi chính vì điều này. Đối với họ Hài Nhi phải là một nhà vua vĩ đại, một vị lãnh tụ mới… như các ngôn sứ đã từng nói đến về đấng Mê-si-a: “vì ngươi là nơi, hỡi Bê-lem, vị lãnh tụ chăm dắt Ít-ra-en dân ta sẽ ra đời”.
Như vậy, sự kiện hiển linh (các chiêm tinh gia theo dấu ngôi sao lạ đến bái lạy Hài Nhi Giê-su) đâu phải là hành vi chỉ hiển thị thiên tính cứu độ, mà cả cái nhân tính được cứu thoát cũng được hiển thị nữa. Chẳng vậy mà ngay sau đó tác giả Mát-thêu đã tường thuật tỉ mỉ việc các anh hài bị giết hại còn Hài Nhi thì trốn thoát được qua Ai-cập, rồi ở đó an toàn cho tới khi được gọi về, “Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai-cập”. Tương tự như Mô-sẽ không chỉ được sách Xuất Hành giới thiệu như vị cứu tinh oai hùng đưa dân Híp-ri vượt qua Biển Đỏ trở về Đất Hứa, mà còn cho thấy ngài là đứa bé ‘được vớt lên khỏi nước’… trốn chạy an toàn qua Ma-đi-an, rồi được sai trở lại Ai-cập với sứ mệnh giải thoát (Xh 2-3). Giống như các người chăn chiên ngoài đồng, khi các nhà chiêm tinh “vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”, họ không chỉ bái lạy một Thiên Chúa giáng trần, mà vì ‘thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng’ vì biết rằng ơn cứu độ của mình và của toàn nhân loại đang được thực hiện cách trọn vẹn và dứt khoát, trong hình hài của Hài Nhi nhỏ bé.
Hiển linh sẽ không có ý nghĩa gì và chẳng làm ai mừng rỡ nếu chỉ là một sự biểu dương uy quyền, cho dầu đó là quyền uy của Thiên Chúa. Hiển linh của Hài Nhi Bê-lem làm cho hết mọi người mừng rỡ, vì quả thật ‘các nhà chiêm tinh là những tư tế được kính nể của đạo Da-ra-thu-sơ-tra, lại còn là những nhà thiên văn học và thầy bói toán. Ở đây các ông đại diện cho những tôn giáo không biết đến Kinh Thánh (xem tác phẩm trích dẫn trên, trang 31). Hài Nhi Yê-su-a hiển linh một Thiên Chúa Cứu Độ đồng thời một loài người được trọn vẹn cứu thoát (trong đó có cả chúng ta - các Ki-tô hữu, nhưng đồng thời cũng bao gồm luôn cả các kẻ tội lỗi, những người vô thần nữa?) Hiển Linh do đó phải khơi nguồn một niềm vui mừng và hy vọng lớn lao cho toàn thể nhân loại. Có lẽ đó là lý do Giáo Hội Chính Thống Đông Phương luôn dành cho ngày lễ này một sự trang trọng lớn lao trong việc cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh!

Lạy Hài Nhi với thân mẫu là Ma-ri-a, xin cho con được sấp mình cung kính bái lạy, không phải vì sợ sệt hay kính nể, nhưng vì mừng rỡ và sướng vui. Xin cho con nhận ra trong ngôi sao của Hài Nhi, số mệnh của chính mình đã được ấn định: vì cho dầu con có là ‘ngôi sao xấu số’ tới đâu, thì nó cũng đã là ‘ngôi sao được cứu rỗi’ nhờ ‘Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Xin cũng hiển linh điều này cho hết thảy mọi người, để niềm vui Giáng Sinh được bùng nổ trên khắp cõi trần gian. A-men 

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top