0



CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
DANH THÁNH CHÚA GIÊ-SU
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:16-21

Đến lúc phải làm nghi lễ cắt bì

Tôi muốn dành một thoáng suy tư cho biến cố Đức Giê-su chịu cắt bì, như tác giả Lu-ca đã ghi lại: “Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì…” Cho tới năm 1960, biến cố này vẫn được Giáo Hội Công Giáo mừng kính trong lễ Chúa chịu phép cắt bì vào ngày 01 tháng 01 dương lịch. Mặc dù ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều hơn tới phần hai của sự kiện là ‘đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su’ khi gọi lễ này là ‘Danh Thánh Chúa Giê-su’ , và gần đây hơn, ngày này còn được dùng để tôn vinh Ma-ri-a dưới tước hiệu ‘Mẹ Thiên Chúa’, đồng thời được thiết lập thành ngày ‘Thế Giới Hòa Bình’; thế nhưng thiết tưởng cái ý nghĩa Tin Mừng của sự kiện cắt bì này vẫn còn đó, và vẫn giữ nguyên tầm quan trọng không nhỏ, lúc này hơn bất cứ khi nào khác.
Sự kiện Trẻ Giê-su chịu phép cắt bì đã từng được Giáo Hội ghi nhận ngay từ các thế kỷ đầu, nhất là sau thời kỳ cấm cách. Công Đồng Tours năm 567 đã chính thức đề cập tới. Rất nhiều bức họa và ảnh thánh thời trung cổ đã lấy sự kiện này làm đề tài nghệ thuật. Suy tư thần học truyền thống về biến cố cắt bì thường tập trung vào các điểm sau đây (căn cứ vào cuốn ‘Hoàng Thuyết (Golden Legend) rất phổ biến vào thế kỷ 14):
- Lần đầu tiên Giê-su đổ máu mình rađể khai mở cả một tiến trình cứu độ nhân loại;
- Sự kiện chứng tỏ Hài Nhi Giê-su trọn vẹn là một con người;
- Người hoàn toàn vâng phục lề luật Cựu Ước.
- Các thần học gia thời Trung cổ và Phục hưng đã không ngừng nhấn mạnh trên sự đau đớn mà Hài Nhi phải chịu khi cắt bì như một tiên báo về cuộc khô nạn Thập Giá mà Người sẽ hứng chịu sau này.
Sách Sáng Thế chương 17 ghi nhận việc cắt bì như là nghi thức căn bản nhất của Giao Ước: “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi phải chịu cắt bì… Sinh ra được tám ngày, mọi con trai của các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao qui đầu, từ thế hệ này qua thế hệ khác…” (St 17:10-14; 23-27) Cho dầu nghi thức cắt bì, với nhiều lý do và ý nghĩa khác nhau, đã là một tập tục khá phổ biến trong nhiều dân tộc thời cổ đại, nhưng riêng đối với tổ phụ Áp-ra-ham và hậu duệ ông, chắc chắn nó còn hàm một ý nghĩa tôn giáo sâu sắc hơn, ‘giao ước của Ta ghi dấu trong xác thịt các ngươi’(c.13); Giao Ước với Đức Chúa là một ký kết, không qua các luật lệ được khắc trên bia đá mang tính pháp lý, mà phải được ghi sâu trong thân thể con người, cụ thể nơi bộ phận sinh dục được coi là quan trọng nhất cho sự sống và truyền sinh. Tự bản chất việc cắt bì luôn mang ý nghĩa và nội dung tích cực: hoặc phát huy trọn vẹn nam tính (đồng nghĩa với ‘nhân tính’ theo suy nghĩ của người xưa)… hoặc giải phóng khả năng truyền sinh. Với Áp-ra-ham và Sa-ra trong tình trạng hiếm muộn, Giao Ước này có nghĩa là chấp nhận cho Đức Chúa can thiệp vào chiều kích cơ bản nhất của cuộc sống họ, hay nói cách khác, vào toàn bộ cuộc sống hiện tại và tương lai, cụ thể là có con cái nối tiếp dòng giống lâu dài. Chỉ sau này, khi Giao Ước bị chuyển dần qua nội dung giữ luật Mô-sê, cắt bì mới hàm thêm ý nghĩa của việc đi vào luật lệ. Chính nội dung này mới là điều Phao-lô và Giáo hội sơ khai kịch liệt phản bác (xem Cv 11:3-17; Rm 4:9-12; 1Cr 7:19; Gl 6:15).
Là người Do Thái, Hài Nhi Giê-su chịu cắt bì trong nội dung của tổ phụ Ap-ra-ham. Là A-đam mới, Người ký kết giao ước mới với Chúa Cha cũng là để chính mình và nhiều người được sống nhân tính (= nam tính) cách trọn vẹn nhất, và đạt khả năng truyền sinh một dân tộc mới phong phú nhất. Phải chăng đó vẫn còn là ý nghĩa và nội dung Tin Mừng của việc “khi Hài Nhi được đủ tám ngày… phải làm lễ cắt bì”, nhất là trong thời đại ngày nay, khi phái tính và tính dục đang được nhìn trong ánh sáng mới, với nhiều nét rất tích cực đồng thời cũng hàm chứa nhiều lệch lạc trầm trọng? Mầu nhiệm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’ phải soi chiếu và cứu độ cả lãnh vực được coi là rất cơ bản người phàm này. Việc Con Trẻ được đặt tên là Yê-su-a (Đức Chúa cứu độ) đã nhỏ giọt máu đào đầu tiên trên cõi thế, nơi chính bộ phận cơ thể cao quí và quan trọng bậc nhất này của con người, chắc chắn phải mang một ý nghĩa nào đó hết sức thâm sâu. Giọt máu đào nhỏ xuống ngày thứ tám khi cắt bì và giọt ‘máu cùng nước chảy ra’ từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá chắc hẳn phải có một liên hệ nào đó rất chặt chẽ với nhau.
Trong việc tìm hiểu ý nghĩa của việc cắt bì, tôi thoáng nhận ra chỉ có một nhân chứng duy nhất được diễm phúc chứng kiến cả hai giọt máu đào đầu tiên và kết thúc mà Giê-su phải đổ ra: nhân vật đó chính là đức Ma-ri-a trong thái độ ‘hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng’. Và vì đây là một vấn đề hàm chứa một nội dung quá ư là trọng đại và súc tích, nên đương nhiên Mẹ đồng trinh chắc chắn sẽ phải là nhân vật dắt tay tôi trên con đường tìm hiểu và tiếp nhận Tin Mừng giải phóng.

Lạy Hài Nhi Yê-su-a chịu cắt bì, xin cho con hiểu được ơn cứu độ Người mang đến trần gian phải tác động vào cả những ngõ ngách ‘phàm tục’ nhất của con người. Xin cho con khám phá ra nội dung và mục tiêu rất cao đẹp của phái tính, vì chính người đã nhỏ giọt máu đầu tiên để cứu độ và giải phóng nó. Xin Mẹ Ma-ri-a dạy con sống thanh khiết trong sự kính trọng và yêu quý tính dục là hồng ân vĩ đại Chúa tặng ban cho con người. A-men


Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top