Hôm thứ ba, 19-5, Giáo hoàng Phanxicô nói rằng có nhiều người như người Rohingya ở Myanmar, hay các Kitô hữu và người Yazidi ở Irắc, đã bị buộc phải xa rời quê nhà của mình, và đời sống của tất cả chúng ta cũng ghi dấu những lần từ giã với rất nhiều sự quan trọng trong đời. Đức Thánh Cha nói rằng mỗi một chúng ta nên suy nghĩ về cuộc từ giã cuối cùng với đời này, và ý nghĩa của điều này với việc các Kitô hữu ký thác đời mình cho Chúa. Đây là những lời của giáo hoàng trong thánh lễ ban sáng tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Bài giảng của giáo hoàng Phanxicô suy niệm về việc đời sống của chúng ta ghi dấu những lần từ giã, cách chúng ta chia tay và lý do vì sao phải làm thế. Ngài lấy ý từ các bài đọc trong ngày, khi Chúa Giêsu từ giã các môn đệ trước cuộc thương khó và cái chết, và khi thánh Phaolô từ giã trước khi lên Jerusalem và khóc với những người phải tạm xa ngài.
Đức Phanxicô nói rằng, đời sống của chúng ta được tạo nên với rất nhiều cuộc từ giã, nhỏ có lớn có, và một số thì đầy nước mắt và đau khổ.
‘Hãy nghĩ về những người Rohingya tội nghiệp ở Myanmar. Khi phải rời bỏ quê nhà để trốn chạy sự bách hại, họ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Và họ đã lênh đênh trên thuyền hàng tháng trời. Họ đến được một thành phố, và người ta cho họ thức ăn thức uống, rồi bảo họ đi đi. Đó là từ giã. Hơn nữa, cuộc đại từ giã hiện sinh này đang diễn ra trong chính thời đại chúng ta. Hãy nghĩ về cuộc từ giã của các Kitô hữu và người Yazidi ở Irắc, những người tin rằng họ không còn có thể về lại quê hương, bởi họ đã bị đuổi ra khỏi quê nhà. Đây là chuyện đang diễn ra ngày nay.’
Giáo hoàng nói rằng có những cuộc chia tay nhỏ, như khi bà mẹ ôm con trai đang chuẩn bị lên đường ra trận, và còn có cuộc chia tay cuối cùng khi một người chuẩn bị từ giã cõi đời, và chủ đề từ giã đã được thể hiện trong nghệ thuật và các bài hát.
‘Tôi nghĩ về cuộc chia tay của trung đoàn ‘Alpini’ khi sỹ quan từ giã các binh lính của mình. Tôi nghĩ về cuộc chia tay lớn, cuộc giã biệt lớn của đời tôi, khi tôi sẽ không nói ‘hẹn gặp lại’ ”sẽ gặp nhau’ ‘tạm biệt’, nhưng tôi sẽ nói lên ‘từ giã.’ Hai bài đọc hôm nay đều dùng từ ‘addio’ (từ giã theo nghĩa cuối cùng) Thánh Phaolô ký thác mọi sự của mình cho Chúa, và Chúa Giêsu ký thác các môn đệ của mình cho Chúa Cha. ‘Họ không thuộc về thế gian này, xin hãy dõi theo họ.’ Chúng ta chỉ nói ‘addio’ vào lúc giã biệt cuối cùng.’
Giáo hoàng Phanxicô tiếp rằng sẽ tốt khi mỗi một chúng ta suy nghĩ về lần giã biệt cuối cùng, và xem lại lương tâm mình, như Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã làm.
‘Tôi để lại những gì? Cả thánh Phaolôvà Chúa Giêsu đều có một sự xét mình: ‘Tôi đã làm điều này, điều này và điều này …. Và tôi đã làm được gì?’ Thật tốt khi tôi hình dung bản thân trong thời khắc đó. Chúng ta không biết khi nào việc đó xảy đến, nhưng sẽ đến thời điểm đó, khi những lời ‘hẹn gặp lại,’ ‘hẹn ngày mai,’ ‘tạm biệt’ trở thành ‘từ giã.’ Và tôi có đang chuẩn bị ký thác cho Chúa tất cả những gì tôi có? Trao phó cả bản thân cho Chúa? Tôi có nói lên được lời người con trao phó bản thân cho Cha mình, hay không?’
Và Đức Phanxicô kết bài giảng bằng lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cách nói lên lời từ giã và thực sự trao phó bản thân cho Chúa vào thời khắc cuối đời.