TẾT NGUYÊN ĐÁN
Lời ngỏ:
Khi được nguyệt san Bài Giảng Chúa Nhật gợi ý viết bài suy niệm Tin Mừng cho ba ngày Tết Nguyên Đán thú thật tôi cảm thấy rất lúng túng! Lý do là vì ngay các Lời Chúa được ‘Lịch Công Giáo’ đề nghị cho những ngày này, theo tôi, là quá mung lung. Thiết tưởng, để có thể lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong dịp Tết Nguyên Đán ta cần đi sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc ngoài việc sử dụng vốn liếng Kinh Thánh, thần học và tu đức thông thường. Theo tôi, việc dìm mình sâu vào bầu khí linh thiêng của Hồn Việt để hít thở cái tinh hoa hội tụ trong những ngày đầu năm rất linh thiêng này là cần thiết. Tuy nhiên về lãnh vực văn hóa dân tộc, thú thật, tôi chưa có được một sự chuẩn bị bài bản thích đáng nào; thiếu xót này tôi chia xẻ với toàn thể Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì cho tới nay ít có người Công Giáo Việt Nam nào cất công nghiên cứu lãnh vực này cho thấu đáo, cũng như chưa được Hội Đồng Các Giám Mục Việt Nam quan tâm tới đủ. Dầu vậy trong tâm tình mộc mạc của một người Việt Nam Công Giáo, tôi vẫn cử thử dành chút thời gian để lắng nghe xem, Lời Chúa muốn nói gì với mình trong những ngày đầu xuân này. Chính vì thế, kính xin quí cha và quí vị vui lòng đón nhận việc chia sẻ Suy Niệm Lời Chúa này đơn thuần chỉ như một vài gợi ý mang tính chủ quan riêng tư. Mong rằng: tôi sẽ nhận được nhiều đóng góp chia sẻ khác, để góp phần làm cho mảng mục vụ phụng vụ dân tộc được thêm khởi sắc và phong phú hơn trong tương lai.
Chân thành cám ơn quí vị!
Nhập đề:
‘Tết’ là do chữ ‘Tiết’ (節) mà thành; ‘Tiết’ có thể được hiểu như khí trời, như sự chuyển vận của trời đất vũ trụ, như thời tiết tuần hoàn. ‘Nguyên Đán’ có gốc chữ Hán (元旦), ‘nguyên’ có nghĩa là ‘khởi đầu’ hay sơ khai, và ‘đán’ có nghĩa là buổi sáng sớm (xem Wikipedia: Tết Nguyên Đán, nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn). Mọi người Á Đông nói chung, và người Việt chúng ta nói riêng, đều mong muốn những ngày đầu năm mới phải làm một cuộc trở về với những nguyên lý căn bản nhất của trời đất vạn vật thuở ban đầu. Mà nguyên lý nền tảng và căn bản nhất của càn khôn được xác định là sự hòa hợp tuyệt diệu (harmony) giữa mỗi con người với các nhân tố chủ chốt của trời đất là Thiên, Địa và Nhân. Ca dao Việt Nam đã cụ thể hóa mối tương quan này cách rất mộc mạc nhưng sâu sắc:
Mồng một tết Cha
Mồng hai tết Mẹ
Mồng ba tết Thầy
Trong đó: Cha là tượng trưng cho Trời – Thiên (Ki-tô hữu chúng ta quá quen thuộc với hình ảnh Thiên Chúa là Cha), Mẹ tượng trưng cho Đất - Địa (đất mẹ) nuôi dưỡng, Thầy tượng trưng cho mọi mối tương quan xã hội ràng buộc giữa người với người - Nhân (nhất tự vi sư). Như thế có nghĩa là: ba ngày đầu năm chính là dịp quan trọng để mỗi người chúng ta và toàn xã hội tái lập lại các mối giao hòa nguyên thủy. Tết Nguyên Đán chính là: những ngày của Thiên - Địa - Nhân giao hòa vậy.
MỒNG MỘT TẾT
TÂN NIÊN: CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI
Suy niệm Tin Mừng Mt 6:25-34
Hòa hợp với Thiên Chúa
(Thiên - Nhân giao hòa)
Đọc đoạn Tin Mừng Mt 6:25-34, vẫn thường được chúng ta gán cho cái tiêu đề‘Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng’, trong bầu khí linh thiêng của ngày Tân Niên, người Công Giáo Việt Nam sẽ nhận ra ngay một chân lý: Đức Giê-su rõ ràng đang nhắc nhở tới việc tái lập trở lại sự hòa hợp nguyên thủy giữa con người với Thiên Chúa, một sự hòa hợp tuyệt diệu mà sách Sáng Thế chương 3 đã cho thấy hiện hữu từ lâu, trước cả khi nó bị tội lỗi phá hủy tận căn.
Tuy nhiên bất chấp tội lỗi, sự hòa hợp này hình như vẫn còn tồn tại trong trời đất, vẫn là một qui luật mà vạn vật luôn tuân theo; chim đồng cỏ nội vẫn sống theo qui luật đó tự ngàn đời. Ngày nay người ta gọi đó là định luật thiên nhiên hay cân bằng sinh thái. Đức Giê-su đã chỉ cho thấy: cội nguồn của tình trạng hòa hợp này chính là Chúa Cha trên trời; “Cha anh em vẫn nuôi chim trời không gieo không gặt… mặc cho hoa huệ ngoài đồng không dệt tơ kéo sợi”. Điều này chứng tỏ: bon chen lo lắng của nhân tình thế thái chính là biểu hiện của mất hòa hợp sâu sắc giữa Nhân với Thiên, giữa con người và trời đất. Lúc khởi đầu sự hòa hợp này thật kỳ diệu: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hinh ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1:27). Đó là tình trạng lý tưởng của thời khởi nguyên nơi vườn địa đàng: ‘Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen… và chúc lành cho họ’ (St 2:15). Tội nguyên tổ và tội lỗi con người, theo lối nhìn hòa hợp của người Á Đông (khác hẳn với lối nhìn nặng tính luật pháp của phương tây, nhất là của xã hội Rô-ma) không ngừng hủy hoại sự hòa hợp của trời đất; không riêng gì giữa Nhân với Thiên, mà cả giữa Nhân với Địa, thậm chí cả giữa Nhân với Nhân nữa. Như thế tin tưởng vào Chúa quan phòng - hay tiếp nhận ơn cứu độ - hay xây dựng niềm tin Ki-tô hữu sẽ được Hồn Việt chúng ta hiểu như một cuộc trở về với sự hòa hợp nguyên thủy: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì uống gì, hay mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.
Hiểu như thế ta sẽ nhận ra đoạn Tin Mừng hàm chứa một nội dung thật sâu sắc: nhờ vào tình thương cứu độ của Đức Giê-su mà sự giao hòa (tức là tái lập sự hòa hợp hoàn hảo) giữa Thiên và Nhân được tái lập trở lại. Đức Giê-su – tác nhân của sự hòa hợp mới này chính là A-dam mới, khai sinh một Nhân mới hoàn toàn hòa hợp với Thiên; sự hòa hợp lần này không dựa trên bản chất hoàn hảo của nhân, nhưng trên tình yêu nhân ái cứu độ của Thiên (Ki-tô). Phao-lô diễn tả điều này trong ngôn ngữ và văn hóa Thánh Kinh như sau: “Nhờ đức tin chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta… mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).
Ngày đầu năm, người Công Giáo Việt Nam không chỉ cầu phúc xin Chúa chúc lành cho năm mới được an lành (cầu bình an cho năm mới), không chỉ phó thác tin tưởng nơi Chúa quan phòng để cuộc sống mình được bảo đảm ấm no, nhưng điều mà họ thực sự mong muốn là: làm sao mối tương quan Thiên – Nhân được hòa hợp hơn nữa; nói cách khác: điều họ ước nguyện và quyết tâm thực hiện trong năm mới là xây dựng cho bằng được mối tương quan hai chiều, và ra sức củng cố cho nó ngày càng thêm bền vững. Chúa Trời quan tâm và thuận với nhân hơn (điều này đã được bảo đảm qua mầu nhiệm Nhập Thể và Thập Giá của Đức Ki-tô), trong khi chính con người cũng phải ra sức quan tâm và thuận với Thiên hơn, qua việc ra sức đón lấy hồng ân cứu độ. Điều này được người Do Thái Cựu Ước diễn tả như thiết lập hay tái lập một giao ước hoàn hảo và bền chặt hơn với Đức Chúa Gia-vê, còn người Công Giáo Việt Nam chúng ta, trong văn hóa Thiên - Địa - Nhân, sẽ hướng hồn về một mối tương quan hòa hợp hơn nữa với Thiên Chúa là Cha, điều mà người Công Giáo chúng ta quen gọi là ‘thuận theo Thánh Ý Chúa’. Chúng ta muốn có thiên thời (hay đúng hơn ‘Thiên thời=thuận ý trời’) bằng bất cứ giá nào, trong bất cứ tình huống nào cho dầu thuận lợi hay nghịch cảnh, trong năm mới cũng như trong suốt cuộc sống chúng ta.
Mồng Một đầu năm, Hồn Việt Công Giáo cùng nhau dành thời giờ để tận hưởng sự giao thoa tuyệt diệu giữa Thiên Chúa nhân lành và loài người tội lỗi chúng ta! Và chúng ta vui hưởng năm mới như thời gian mở rộng cánh cửa đón nhận hồng ân cứu độ.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Đức Giê-su làm người đã muốn luôn được thuận với Cha trong mọi sự và trong suốt cuộc đời. Ngay từ ngày đầu của năm mới này, chúng con mong muốn và quyết tâm đi vào mối tương quan Thiên - nhân hòa hợp với Cha. Về phần Cha thì đã quá rõ: qua Thập Giá Đức Ki-tô, chúng con biết rằng: mối tương quan Cha dành sẽ luôn là giao hòa bất chấp sự yếu hèn của con người. Về phần chúng con, chúng con quyết tâm xây dựng và củng cố sự hòa hợp với Cha nhân ái, cũng chính nhờ Thập Giá Đức Ki-tô, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của mình. Xin giúp chúng con trong năm mới này biết gia tăng sự hòa hợp với Cha qua việc đón nhận và đi sâu vào lòng từ ái xót thương của Cha ngày càng sâu sắc và trọn vẹn hơn. A-men
MỒNG HAI TẾT
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
Suy niệm Tin Mừng Mt 15:1-6
Hòa hợp với mọi người
(Nhân - Nhân giao hòa)
Ngày Mồng Hai Tết được Lịch Công Giáo Việt Nam được gọi là: ngày ‘Kính Nhớ Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ’. Nhiều người, vì hiểu lầm ‘kính nhớ’ (như kính nhớ các đẳng linh hồn), nên đã biến ngày này thành ngày cầu nguyện cho vong hồn tổ tiên ông bà cha mẹ (họ kéo nhay ra đất thánh, nghĩa trang đọc kinh dâng lễ).
Theo quan niệm Nhân Hòa trong văn hóa Việt, ‘nhân’ đây gồm cả người sống lẫn kẻ chết, người thân cận cũng như kẻ xa lạ, và kính nhớ hay tôn kính được hiểu như kiến tạo một tương quan hòa hợp với hết mọi người, bắt đầu từ cận nhân, điển hình là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, còn sống hay đã khuất núi. Đây là nền tảng của ‘đạo hiếu’, không chỉ được hiểu hạn hẹp như hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ (nhất là một khi đã qua đời), nhưng còn là ‘hiếu’ cả với đồng bào, với dân nước, và xa hơn nữa là hiếu hay thuận thảo với toàn thể bàn dân thiên hạ (nhân hòa).
Văn hóa Do Thái thời xa xưa còn khá xa lạ với khái niệm ‘nhân hiếu’ này! Trong cuộc tranh luận về truyền thống với nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư, Đức Giê-su chỉ mới đề cập tới và chỉnh sửa một phần rất nhỏ cái mối tương quan xã hội đa diện vốn có nơi các thính giả Do Thái. Lấy một thí dụ: giới luật Cựu Ước qui định: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ được hiểu là chỉ khi các ngài còn sống chứ không đề cập chi tới lúc các ngài đã khuất bóng. Ấy vậy mà các kinh sư luật sĩ vẫn viện dẫn lý lẽ này nọ để tránh né bộn phận này: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Rõ ràng cái tối thiểu của chữ hiếu chữ nhân họ còn chưa có nữa là. Chẳng trách sự hiểu biết ‘nhân hiếu’ của họ thật quá hạn hẹp, hoặc nếu có mở rộng hơn ra đôi chút thì cùng lắm cũng chỉ tới bạn bè thân quen là cùng, những người làm lợi cho mình; “… yêu thương những kẻ yêu thương mình” (Mt 5:46).
Trong cái văn hóa nhân hòa, Hồn Việt có khả năng hiểu sâu hơn các điều mà Đức Giê-su đã dạy trong chương 05 Phúc Âm Thánh Mát-thêu mà Người gọi là ‘kiện toàn Luật Mô-sê’, như đừng giận ghét, chớ ngoại tình, đừng thề thốt, chớ trả thù, và nhất là yêu thương kẻ thù. Thiết tưởng bác ái của Tin Mừng, nếu phải diễn tả trong văn hóa thuần Việt, sẽ là đưa nhân hòa lên tới tột đỉnh và mở rộng nó ra, thoát khỏi mọi biên cương giới hạn của lòng dạ con người. Tin Mừng đồng thời cũng cống hiến cho Hồn Việt phương thế để thực hiện được cái lý tưởng nhân hòa đầy thử thách và cam go, thay vì chỉ mãi mãi là một mơ ước thanh tao cao đẹp trong những ngày đầu năm mới. Cái ‘hòa’ mà Tin Mừng cống hiến không chỉ là: vắng bóng các đố kị căng thẳng tranh chấp chia rẽ, nhưng đúng là giao hòa dựa trên ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô Thập Giá chính là ‘Nhân Hòa’ đầu tiên và hoàn hảo của toàn thể lịch sử nhân loại khi Người không những giao hòa Trời với đất, mà còn giữa người với người; “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 35:34). Thánh Phao-lô đã triển khai tư tưởng hòa giải này trong chương 05 của thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, trong khi Thánh Gio-an đã dùng nó làm nền cho lời kêu gọi xây dựng nhân hòa giữa các tín hữu và với hết mọi người, “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối…” (1 Ga 4:20…)
Như vậy, nếu trong ngày Mồng Hai Tết người Công Giáo Việt Nam có cử hành bất cứ nghi lễ hay tập tục nào để kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình (còn sống hay đã qua đời) thì cái tâm của họ phải mở rộng hướng tới hết mọi người; chính sự rộng mở này sẽ giúp họ trong năm mới càng chấp nhận và triển khai Tin Mừng bác ái yêu thương của Đức Ki-tô cách sâu sắc và triệt để hơn. Họ thâm tín rằng: nhờ niềm tin vào ơn cứu độ giao hòa của Đức Ki-tô, chính họ sẽ trở thành tác nhân có khả năng biến niềm mơ ước mãnh liệt nhất của Hồn Việt, và của toàn thể nhân loại, thành một hiện thực: ‘Tứ hải giai huynh đệ”.
Lạy Đức Ki-tô - Đấng giao hòa, trên Thập Giá Chúa không chỉ giao hòa nhân loại với Thiên Chúa (Thiên – Nhân) và còn giao hòa nhân loại với nhau (Nhân – Nhân). Trong ngày đầu xuân này, xin giúp con khởi động trở lại tiến trình giao hòa với mọi người, bắt đầu từ những người gần gũi với con hơn hết là Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, còn sống hoặc đã qua đời. Xin cho việc kính nhớ các ngài càng thôi thúc con sống Tin Mừng cứu độ của Chúa cách trọn vẹn và quảng đại hơn trong mối tương quan với hết thảy mọi người trong suốt năm mới. A-men
MỒNG BA TẾT
THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN
Suy niệm Tin Mừng Mt 25:14-30
Hòa hợp với thiên nhiên
(Nhân - Địa giao hòa)
Sách Sáng Thế mô tả thời khai nguyên hoàng kim như một không gian - thời gian trong đó con người và thiên nhiên hòa hợp với nhau cách hoàn hảo: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và vun trồng đất đai hoa màu…” (St 2:15). Khát vọng này vẫn là ước mơ của con người trải qua các thời đại, chỉ vì cái thực tế phũ phàng của tội mà sự hòa hợp nhân - địa đã và đang bị hủy hoại từng ngày, “…đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra” (St 3:17). Trong những ngày đầu năm mới Hồn Việt Công Giáo càng cảm thấy khát vọng tái lập ‘địa lợi’ nơi mình được trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Đối với mọi con người, nhưng nhất là với người Việt giầu tính nông nghiệp, được gần gũi với thiên nhiên là điều họ hằng khao khát, nhất là vào những ngày tân niên: họ đi hái lộc xuân, trưng bày cây trái bông kiểng trong nhà, và thắp nhang khấn vái để cầu được mưa thuận gió hòa. Hội Thánh Công Giáo Việt Nam (dựa trên ‘Lễ ngoại lịch’ của sách phụng vụ) tạm gọi ngày Mồng Ba Tết là ngày ‘thánh hóa công việc làm ăn’ hay dâng công ăn việc làm của mình cho Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng Mát-thêu 25:14-30 được trích dẫn ở đây thì cho ý tưởng làm sinh lời các yến bạc mỗi người nhận được thông qua việc chu toàn các chức phận được trao. Dù thế nào đi nữa thì ước vọng phổ quát vẫn là làm sao cho Nhân và Địa được hòa hợp hơn. ‘Địa’ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả những gì liên quan tới sự sinh tồn của con người.
Trong môi trường khắc khổ của dân Do Thái thời cổ đại, có lẽ tương quan nhân - địa là lãnh vực không được mấy lưu tâm; một vài nét đơn sơ được phác họa trong Cựu Ước như ‘đất hứa’ phải là nơi ‘chảy sữa và mật’, và có ‘đất đai mầu mỡ và mưa thuận gió hòa’, chẳng qua đó là những mộng ước mà mọi người đều mong muốn cách khá thụ động. Họ chỉ nhận được nhờ phép lành Đức Chúa ban cho thông qua lời chúc phúc của các bậc tổ phụ (xem St 27:27-29). Còn Tân Ước thì hình như lại càng ít quan tâm tới diện này, vì dành quan tâm chính cho chiều kích nội tâm.
Trong nếp văn hóa của người Á Đông nói chung, và người Việt cách riêng, vấn đề sống hòa hợp với thiên nhiên luôn là một mảng đề tài khá đặc sắc và phong phú; chính vì thế mà phong thủy trở thành mối quan tâm phổ biến nơi rất nhiều người. Ngày nay con người thời đại phải đối diện với tình trạng ô nhiễm trầm trọng, đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc sống hòa hợp với thiên nhiên dưới khẩu hiệu ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Gần đây hơn, trong giới Công Giáo và Tin Lành đã thấy xuất hiện thao thức đi tìm một linh đạo mới cho phù hợp với khuynh hướng chung này. Trong hội nghị quốc tế tháng 11/ 2012 tổ chức tại Va-ti-can bàn về đề tài Apostolatus Maris (Tông đồ Đại dương), một số tham dự viên đã đề cập tới một nét linh đạo mới dành cho mục vụ giữa các thủy thủ hay ngư dân viễn dương. Có nên chăng hội nhập tư tưởng của Lão Giáo coi biển cả như người mẹ hiền (thần Nam Hải) dưỡng nuôi con người bằng các sản phẩm đại dương phong phú mà ta đón nhận với lòng tri ân thành kính …, thay vì chỉ nhìn đại dương cách thực dụng như chốn hiểm nguy đầy sóng gió cầu mong sao sớm được về tới bến an bình, hay một môi trường hữu dụng cần được khai thác hữu hiệu và lâu dài bằng một sách lược chung được mệnh danh là ‘bảo vệ môi trường sinh thái’?
Trong triền tư tưởng trên, việc soạn ra một Thánh Lễ với bài Tin Mừng thích hợp cho ngày Mồng Ba Tết luôn là một thách đố, nhất là sau thông điệp “Laudato Si” của Đức Phan-xi-cô I mới đây, thay vì chỉ đơn thuần cử hành Thánh Lễ ngoại lịch sẵn có về thánh hóa công việc làm ăn (hay như Lịch Công Giáo đề nghị sử dụng đoạn Tin Mừng Mác-cô 7:1-13 có cùng một nội dung tương tự như Mt 6:25-34 dùng trong ngày Mồng Một Tết). Dẫu thế nào đi nữa thì khái niệm nhân - địa giao hòa này vẫn phải mang một nội dung đầy sắc thái Á Đông; nó có thể giúp người Công Giáo Việt Nam chúng ta có cái nhìn toàn diện và lạc quan hơn về Tin Mừng cứu rỗi, như Thánh Phao-lô khi đề cập tới ‘trời mới đất mới’ hay “muôn loài thụ tạo lâm vào cảnh hư ảo… những ngong ngóng đợi chờ… và cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở…chờ đợi ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang” (Rm 8:18-23).
Thánh Lễ Mồng Ba Tết Nguyên Đán vì thế phải phác ra cho Hồn Việt Công Giáo một hướng linh đạo sống cho cả năm, chứ không chỉ đơn thuần cầu Chúa phúc phúc cho công việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt!
Lạy Cha là Chúa tể trời đất, khi giao hòa với con người, Cha cũng muốn cho con người giao hòa với nhau và hòa hơp hơn nữa với thiên nhiên. Trong việc đón nhận hồng ân cứu độ của Cha thông qua Thập Giá Đức Ki-tô, con bảo đảm được cho mình một ‘Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa’ mới, không chỉ trong năm mới này, mà còn suốt cả đời Ki-tô hữu nữa; bất chấp các yếu hèn và phản nghịch của con đối với Cha, những bất trắc của thiên nhiên hay lòng dạ đảo điên của con người. Xin cho con sống những ngày đầu năm này trong niềm tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ vô bờ bến của Cha. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc