0
Các bạn thân mến,
Những ngày cuối tuần tĩnh tâm tôi đang giảng cũng trùng vào các ngày Cha Bề Trên Cả dòng Don Bosco thăm viếng VN (đặc biệt ba ngày dành cho vùng Saigon). Tôi lo chạy đôn đáo một chút tuy nhiên rất mong Tuần Tĩnh Tâm vẫn gặt hái được những kết quả tốt đẹp.
Cám ơn các bạn đã nâng đỡ bằng kinh nguyện.
Xin chia sẻ với các bạn bài suy niệm CN VIII thường niên.
God bless
Lm Gioan Ty SDB

Suy niệm Tin Mừng Mt 6:24-34


Trước hết hãy tìm kiếm…

Không ai có thể làm tôi hai chủ… làm tôi tiền của”.
Trong chúng ta, chẳng ai dám thẳng thừng tuyên bố rằng: mình ‘làm tôi’ hay ‘làm đầy tớ’ tiền bạc đâu; nhưng hầu hết chúng ta đều sẵn sàng nhìn nhận: mình dành phần lớn thời giờ và công sức để lo kiếm tiền, vì đó là thực tế cuộc sống. Điều này thật tự nhiên và chẳng có gì là sai trái hay xấu xa cả, vì đó là qui luật sống bất thành văn áp dụng chung cho hết thảy mọi người, nhất là trong cái xã hội đầy cạnh tranh được gọi là văn minh tiến bộ ngày nay. Chính vì thế mà thực tế ít có ai bị sốc vì câu nói ‘không được làm tôi tiền của’, vì ai nấy đều đinh ninh rằng: mình phải lo kiếm tiền để sống thì có, còn làm tôi hay tôn thờ tiền bạc thì không bao giờ! Tuy nhiên không ít người trong chúng ta lại thấy khó chịu vì lời Đức Giê-su khuyến cáo: “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… đừng lo lắng vì ngày mai!
Đã sinh ra trên đời, ngoại trừ một thiểu số những người may mắn được thừa hưởng một gia tài kếch sù nào đó, ai ai cũng đều phải lo kiếm sống thôi. ‘Lo cho ngày mai’ là: điều không những cần phải làm mà còn phải dạy cho con cái biết, để chúng có thể sinh tồn. Thiên hạ đã chẳng hết lời ca tụng những ai biết phòng thân, biết lo xa… biết làm ăn để có của dư của để là gì? Thậm chí người ta còn coi: đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, là mục tiêu mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần đạt tới. Khi còn nhỏ, đứa trẻ sống vô tư bao lâu còn có cha có mẹ chăm lo cho…, nó quả rất hạnh phúc vì không phải lo lắng gì cho ngày mai! Tuy nhiên cha mẹ nào cũng tìm mọi cách cho con cái ăn học, chỉ vẽ chúng kinh nghiệm kiến thức… vì biết chắc một điều: một ngày kia chúng sẽ phải tự lập. Một khi phải xa lìa hoặc mất cha mất mẹ, tức là khi chỉ còn một mình trên đời không nơi nương tựa, thì biết phòng thân lo xa sẽ là điều cần thiết nhất!
Khi Đức Giê-su yêu cầu các thính giả của Người: “đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc…” chắc hẳn Người không đề cao một lối sống vô tư buông thả thiếu trách nhiệm. Điều mà Người thực sự muốn nói tới, sẽ liên quan tới điểm cốt lõi của Tin Mừng đó là: chúng ta có một Thiên Chúa ở trên trời, Người là Cha chúng ta hết thảy; Người là Đấng không những toàn năng vô song, mà còn đầy yêu thương nhân ái. Đức Giê-su kêu gọi những ai tin vào Người, muốn làm môn đệ của Người, thì cũng phải chia sẻ với Người tình phụ tử thâm sâu nhất đó, điều mà Người xuống trần chính yếu là để mạc khải cho loài người được biết. Con người không chỉ có một Thiên Chúa để mà thờ phượng, nhưng còn có một Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương để yêu mến. Cùng với Người, và trong tác động của Thần Khí nghĩa tử, họ sẽ không ngừng kêu lên: “Abba - Cha ơi!” Đức Giê-su đã bộc trực tuyên bố: tâm tình phó thác trẻ thơ là điều quí giá nhất của Tin Mừng, điều mà bất cứ người môn đệ nào cũng cần lưu giữ và phát huy: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại và nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Nói như thế tức là Người tuyên bố: bất cứ ai nói rằng mình tin vào Giê-su Ki-tô, thì cũng phải tin tưởng phó thác nơi Chúa Cha, Người Cha đầy lòng từ ái yêu thương không bao giờ bỏ rơi đàn con, bất chấp tình trạng thể lý hay tinh thần của chúng có là thế nào đi nữa. Do đó lo lắng thái quá cho ngày mai và chạy đôn chạy đáo kiếm tiền lo của có thể là biểu hiệu của phản bội niềm tin, của chối bỏ phó thác tin tưởng mà Tin Mừng đòi hỏi. “Đừng lo…” không đơn thuần chỉ là một lời khuyên mang tính luân lý để ngăn chặn lòng tham, nhưng là một cảnh báo liên quan trực tiếp tới đức tin Ki-tô hữu. Đối với các tín hữu, càng lo lắng cho ngày mai bao nhiêu thì càng tố cáo niềm tin của họ đặt nơi Thiên Chúa là Cha nhân ái đã dần phai nhạt, cũng như càng xa con đường Tin Mừng mà Đức Ki-tô đã vạch ra bấy nhiêu.
Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho!” Nếu Nước Thiên Chúa chính là mạc khải của Đức Giê-su về một Thiên Chúa – Abba đầy nhân ái, thì tìm kiếm Nước đó đương nhiên phải được hiểu là: tiên quyết hãy đón nhận và củng cố niềm tin tuyệt đối nơi Chúa Cha từ nhân. Còn nếu đức công chính của Thiên Chúa lại là tình yêu thứ tha của ơn cứu độ mà Chúa Cha thực hiện nơi Thập Giá Đức Ki-tô Giê-su, thì tìm kiếm đức công chính đó đương nhiên phải là nỗ lực sống bác ái yêu thương, và tha thứ cho cả thù địch (xem Mt 5:38-48 của CN VII thường niên năm A); trong nhận thức của các Ki-tô hữu, mối quan tâm này phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Kinh nguyện ‘Lạy Cha’, mà Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ Người, đúng là diễn tả một tâm tình sâu lắng nhất mà mọi Ki-tô hữu, trong tư thế con thảo đối với Cha trên trời, phải tha thiết biểu lộ. Trong kinh nguyện này ở phần một, họ ‘nguyện xin’ cầu mong cho Nước Thiên Chúa - vương quốc tình yêu được hiển trị; trong phần hai họ cam kết sống sự ‘công chính Tin Mừng’ qua tin tưởng phó thác và tha thứ yêu thương hàng ngày. Thản hoặc nếu còn vương chút lo lắng ‘sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây…’ thì cũng phải gói trọn trong tình con thảo với người Cha nhân ái trên trời, “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”.
Phải chăng ‘đừng lo lắng vì ngày mai!’ là linh đạo nền tảng của Tin Mừng mà mọi Ki-tô hữu đều phải biểu hiện được điền này trong chính cái thế giới bon chen được gọi là văn minh hiện đại hôm nay? Phải chăng đây là sứ điệp chính mạnh mẽ nhất của Tin Mừng mà thế giới hôm nay mong được các ngôn sứ Ki-tô hữu lên tiếng loan truyền, để chỉ dẫn nhân loại tìm ra giải pháp tận căn cho các tranh chấp triền miên trong các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế tài chánh v.v.?
Để được như vậy, trước hết chính chúng tôi - các mục tử của Đức Ki-tô, phải là những người tiến sâu và xa hơn ai hết vào nền linh đạo tín thác này, đồng thời nêu gương cho giáo dân trong việc sống nền linh đạo rất Tin Mừng này trong đời sống bon chen và tất bật hôm nay.
Lạy Chúa Cha từ nhân, xin ban cho con hồng ân biết trọn vẹn tin tưởng phó thác trong vòng tay nhân ái của Cha. Như thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, con thà mất tất cả mọi ân huệ khác chứ không muốn mất niềm tin yêu phó thác phụ tử rất Tin Mừng này, là kho tàng quí báu nhất mà Thánh Tử Giê-su đã cất công xuống thế mạc khải cho biết. Xin Cha hãy dạy con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, dù có đen tối và phũ phàng tới mấy, vẫn luôn biết thốt lên như Đức Giê-su trên thập giá với tất cả niềm tin yêu phó thác: “Con xin trao phó trọn mình con trong vòng tay nhân ái của Cha”. A-men 

Bài: Lm Gioan Ty SDB
Đăng bài: Gioan Thanh Hội 

Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top