Suy niệm
Tin Mừng Lc 18:1-8
Chúa mong muốn thấy niềm tin nào khi Người trở lại?
Câu chuyện dụ ngôn hôm
nay trình bày một phản diện, phản diện gay gắt với niềm tin vào một Thiên Chúa
như Đức Giê-su muốn trình bày! Phản diện trong hình ảnh ông quan tòa không có bất
cứ niềm tin nào: ‘Chẳng kính sợ Thiên
Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì’. Ông không có bất kỳ một lý do nào để xót
thương bà góa nghèo hèn van xin ông giúp đỡ. Cuối cùng thì chỉ vì không chịu nổi
sự quấy rầy đeo bám, ông đã buộc phải ‘ra tay làm phước’ cho bà góa cô thế cô
thân; cuối cùng thì vị quan tòa vô tâm đó đã ‘buộc phải’ xót thương, cho dù đó chỉ
là bề ngoài và hoàn toàn bất đắc dĩ.
Khi đem một hình ảnh
tiêu cực đến như thế để đối chiếu với Thiên Chúa nhân lành: “Anh em nghe ông quan tòa bất chính ấy nói
đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ người đã tuyển chọn,
hằng đêm ngày kêu cứu với Người sao?” chắc hẳn Đức Giê-su phải có một lý do
gì sâu sắc lắm.
Trước hết, ông quan tòa nọ đã bị chính Đức
Giê-su gán cho thuộc từ ‘bất chính’; ông bất chính không phải vì đã làm điều gì phạm pháp. Không, tuyệt nhiên không! Tương
tự như ông phú hộ trong câu chuyện ‘chàng La-da-rô nghèo khổ’, ông này bị Đức
Giê-su gọi là ‘bất chính’ chỉ vì một lý do duy nhất: ông đã không có một chút
lòng trắc ẩn, xót thương nào.
Điều này cho chúng ta một
gợi ý: thay vì tin vào một Thiên Chúa công chính, như người Do Thái vẫn thường
gọi, căn cứ vào giao ước đã ký kết, thì Đức Giê-su, dầu vẫn dùng các từ ngữ cũ,
mời gọi các môn đệ hướng tới sự công chính theo một nội dung hoàn toàn mới.
Thiên Chúa công chính vì Người từ bi và giầu lòng xót thương (xem nội dung thư
thứ nhất của Gio-an, đăc biệt các câu 2:29 và 3:7). Người là trọn vẹn công
chính, bởi vì Người là Thiên Chúa trọn vẹn từ nhân! Yếu tính lớn nhất của Người
là “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã
ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời…, để khỏi bị lên án, nhưng được cứu độ” (Ga 3:16-18). Dấu hiệu của
Thiên Chúa từ nhân đó đã được nói tới trong Cựu Ước trong hình ảnh con rắn được
Mô-sê giương cao trong sa mạc. Không may các người Do Thái đã hầu như hoàn toàn
quên mất hình ảnh này… Tân Ước trái lại đã biểu lộ tình yêu này bằng Thập Giá; Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy (Ga
3:14)): Thiên Chúa của Đức Giê-su vẫn là Thiên Chúa ba lần Thánh, nhưng không
phải vì sự thánh thiện cao xa tự tại nơi một mình Người. Đối với chúng ta và
cho chúng ta, Người là thánh vì Người yêu mến con người tội lỗi với tất cả lòng
xót thương. Tôi ngạc nhiên khi nghe Đức Giê-su nói: ‘Thiên Chúa yêu thế gian’.
Sau này khi Gio-an cho định nghĩa “Thiên
Chúa là tình yêu”, ông không quên
giải thích liền sau đó: ‘Tình yêu của
Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một
đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống’ (1 Ga 4:8-9).
Thế nhưng niềm tin vào một
Thiên Chúa yêu thương như thế, một phản diện gay gắt với ông quan tòa bất chính
trong dụ ngôn, ngay cả đối với Ki-tô hữu chúng ta, cũng có thể trở thành rất
mong manh; Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa xót thương vẫn có thể bị ngay
chính các Ki-tô hữu mau chóng quên lãng.
Chưa khi nào ta bắt gặp
một Đức Giê-su bi quan và ngờ vực đến thế: “Nhưng
khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng?”
Tôi thiển nghĩ: nếu là niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì cho dầu có
bị thử thách tới mấy đi nữa, chắc chắn nó sẽ vẫn mãi mãi tồn tại nơi nhân loại;
niềm tin cầu khẩn với một Thiên Chúa quyền phép cũng sẽ không bao giờ kết thúc,
kể cả khi con người đã hoàn toàn no đủ. Nhưng tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa
yêu thương, và biểu lộ lòng tin này cách mãnh liệt trong cầu nguyện với thái độ
tin tưởng phó thác như thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su đã làm, thì lại luôn
có nguy cơ bị nhạt nhòa, ngay cả trong chính Giáo Hội Công Giáo. Lịch sử minh
chứng: đã từng có những thời kỳ mà lòng tin vào Thiên Chúa xót thương đã hoàn
toàn bị lu mờ ngay trong chính nội bộ Giáo Hội, thay vào đó người ta đề cao và
quảng bá một Thiên Chúa công thẳng luận phạt tới mức đáng sợ. Sự phổ biến của học
thuyết Giăng-sê-nít hay Thanh Giáo một thời trong suy nghĩ của nhiều tín hữu và
giáo sĩ cho thấy điều đó. Lòng tin tuyệt đối vào một Thiên Chúa yêu thương và cứu
độ rất có nguy cơ bị biến mất. May mắn thay, việc quảng bá học thuyết ‘Con Tim’
của thánh Phan-xi-cô Sa-lê (Salesian
spirituality), và gần đây hơn, việc phổ biến lòng tôn sùng Lòng Thương Xót
Chúa cho thấy niềm tin này đang có dấu hiệu phục hồi. Rất mong lòng tôn sùng
này sẽ sớm trở thành một niềm tin chân chính, chứ không chỉ là việc đạo đức bề
ngoài..., để rồi, một khi trở lại trong vinh quang Thập Giá, Người sẽ vui mừng
thấy niềm tin này đã lan rộng trong Hội Thánh và trên toàn trái đất.
Công việc của tôi, một
linh mục của Đức Ki-tô cứu độ và xót thương, chính là thắp lên và chăm sóc cho
ngọn lửa niềm tin này bừng sáng nơi tâm hồn nhiều tín hữu!
Lạy Chúa từ nhân, đã có một lần Chúa ngự đến trong giờ chết
của con, và may mắn thay lần đó Chúa còn tìm thấy niềm tin này nơi con còn tồn
tại chút ít. Xin Chúa tiếp tục phát huy và duy trì trong con, và trong tất cả
tâm hồn các Ki-tô hữu, niềm tin vào Thiên Chúa từ ái xót thương; để bất cứ khi
nào Chúa đến, cho dầu có đột ngột tới mấy, Chúa vẫn tìm thấy niềm tin này tiếp
tục tồn tại, nhất là nơi con, và nơi tâm hồn các giáo dân con phục vụ, hướng dẫn.
Xin Chúa tiếp tục củng cố đức tin này trong con. A-men
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc