0
Năm A
Suy niệm Tin Mừng Mt 3:13-17

Giữ trọn đức công chính…

Bây giờ cứ thế đã; vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, Đức Giê-su đã trả lời Gio-an như thế, khi ông từ chối thực hiện nghi thức thanh tẩy cho Người! Gio-an từ chối là đúng thôi; nhưng tại sao Đức Giê-su lại muốn thực hiện nghi thức đó? Nghi thức này đâu phải là điều luật pháp qui định! Như vậy khi nói: “chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, thực ra Đức Giê-su đang muốn ám chỉ điều gì?
Mọi người Do Thái đều hiểu: đã là người, thì đức công chính là điều cơ bản nhất; công chính đối với họ còn mang nội dung rất cụ thể, đó là căn kẽ nắm giữ trọn lề luật. Và luật pháp là cần thiết, như thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma (xem chương 7) cho biết, chính là vì sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Đối với con người tự bản chất là tội lỗi và yếu đuối thì cách duy nhất để trở nên công chính là chu toàn lề luật. Luật Mô-sê qui định mọi người mẹ mới sinh con, nhất là đứa con nối giòng (= con trai đầu lòng), đều phải được thanh tẩy.
Khi Đức Giê-su đòi giữ trọn đức công chính, Người đã trọn vẹn tự đặt mình vào tư thế một con người nhân loại: tội lỗi và yếu đuối. Truyền thống Giáo Hội vẫn luôn coi việc Đức Giê-su bước xuống sông Gióc-đan để biểu lộ tâm trạng sám hối qua việc thực hiện nghi thức thanh tẩy là một cuộc nhập thể lần thứ hai hay nhập thể theo chiều sâu. Nếu nhờ cuộc giáng sinh thứ nhất tại Bê-lem, Giê-su đã mặc lấy hình hài hèn yếu của một hài nhi, thì qua việc lãnh nhận phép rửa sám hối tại sông Gióc-đan, Giê-su đã mặc lấy trọn thân phận tội lỗi yếu hèn của con người nhân loại. Chính lúc đó, Người công khai biểu lộ tình trạng trở nên giống chúng ta mọi đàng, cả về thể lý lẫn tinh thần!
Thế nhưng ta cần tìm hiểu: Người làm việc này với mục đích gì?
Gio-an và nhóm Ê-sê-ni của ông, cũng như nhiều tôn giáo khác, có truyền thống coi việc sám hối tội lỗi như khởi điểm của quyết tâm cải tà qui chính, hoán cải đời sống, sửa mình và vươn lên; do đó ông kêu gọi dân chúng chịu phép rửa là để thi hành các điều này. Nhưng kể từ lúc Đức Giê-su làm cùng một hành vi đó, phép rửa sám hối bắt đầu mang một nội dung và mục tiêu hoàn toàn mới: chân nhận thân phận hèn yếu tội lỗi của mình để mở lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Thiên Chúa ban cho cách nhưng không vô điều kiện: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15), “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Trong ý nghĩa đó, khi Giê-su khiêm hạ hòa mình vào giữa đám đông sám hối, bước xuống dòng nước Gióc-đan và dìm mình, thì đó cũng chính là lúc Người, trong thân phận một con người hèn yếu và tội lỗi, đang mở rộng để đón lấy hồng ân cứu độ đầy xót thương của Thiên Chúa là Cha nhân ái.
Điểm tiếp giáp giữa Cựu Ước và Tân Ước chính là ở đây: một mẫu công chính mới đã xuất hiện! Vì là A-đam mới nên Đức Giê-su cũng khai mở một nhân loại mới, trong đó con người, dầu tự bản chất vẫn hèn yếu, đã có thể trở nên công chính và thánh thiện, không phải vì nắm giữ luật pháp hay sống luân lý lành mạnh, nhưng trong sức mạnh của Thần Khí và tình yêu nhân ái của Thiên Chúa. Chính lúc chịu phép rửa, Giê-su trong tư cách A-đam mới, đã được tuyên dương là con yêu dấu làm Thiên Chúa hài lòng; “Thần khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
Câu tuyên bố long trọng trong Mt 3:16-17 nói lên nội dung bí tích Rửa Tội đang trở thành một hiện thực đối với mọi tín hữu. Có lẽ vì hiểu được điều này mà thánh Phao-lô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, cho dầu biết rất rõ các tội lỗi còn tồn tại nơi cộng đoàn này như loạn luân (xem 1 Cr 5), tranh chấp, tà dâm (xem 1 Cr 6), cúng bái bụt thần (xem 1 Cr 8; 10), chia rẽ (xem 1 Cr 11), vẫn không ngần ngại gọi họ là ‘những người đã được hiến thánh trong đức Ki-tô Giêsu’. Ông quả quyết mình “hằng cảm tạ Thiên Chúa … về ân huệ Người đã ban cho anh em…” vì họ đã “trở nên phong phú về mọi phương diện… khiến anh em không thiếu một ân huệ nào…” (1 Cr 1:2.5.7) Có hợp lý lắm không, khi ông khảng định: nhóm tín hữu Cô-rin-tô hiến thánh và phong phú về mọi phương diện trước cả khi họ có thời gian sửa chữa các lỗi lầm sai phạm? Phao-lô sẽ là hoàn toàn phi lý nếu ta không chấp nhận khái niệm và nội dung công chính mới: công chính là tiếp nhận Tin Mừng qua việc sám hối tội lỗi.
Bí tích Rửa Tội ‘đã’ làm cho ta nên công chính, chứ không phải ‘sẽ’ làm…, và do đó Ki-tô hữu chân chính phải là người liên tục sống Bí tích Rửa Tội của mình, ngay giữa những yếu đuối và sa ngã của cuộc sống thường ngày. Ki-tô hữu chúng ta có lý do để thực sự hãnh diện về ơn Rửa Tội mình đã lãnh nhận!

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho phép con lãnh nhận Bí tích Rửa tội, và cùng với bí tích này, lãnh nhận một sự công chính hoàn toàn mới mẻ và phong phú. Xin cho con biết không ngừng sống nền công chính mới, bất chấp mức độ con có tiến triển được nhiều hay ít trong việc sửa chữa các khuyết điểm của mình hay tập tành các nhân đức. Vì chỉ một khi sở đắc được công chính mới này, con mới có thể mở lòng ca ngợi cảm tạ hồng ân cứu độ của Chúa suốt đời con. A-men



Năm B và năm C
Suy niệm Tin Mừng Mc 1:7-11
Lc 3:15-16; 21-22

Ghi chú: vì tường thuật của hai đoạn Tin Mừng Mác-cô và Lu-ca về việc Đức Giê-su chịu phép rửa tại sông Gióc-đan có nội dung quá tương đồng, nên tôi xin phép gộp chúng lại để dễ đào sâu suy tư. Các bạn có thể suy niệm riêng từng tường thuật một, nhưng nội dung ý nghĩa độc đáo của Phép Rửa giao ước mới của Đức Giê-su là điều ta không không thể bỏ qua.

Phép Rửa là biến cố Hiển Linh vĩ đại

Biến cố Đức Giê-su hòa nhập cùng đám đông dân chúng bước xuống sông Gióc-đan để được Gio-an rửa, theo nghi thức sám hối thịnh hành vào thời đó, đã được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đồng loạt tường thuật. Chắc chắn đối với các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, sự kiện này phải có một ý nghĩa trọng đại lắm căn cứ vào sứ điệp mà Người dùng để khởi sự sứ vụ rao giảng công khai: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Và tầm quan trọng của nó càng được phô diễn khi chính Chúa Cha đã cho xuất hiện các ấn dấu để làm bắng chứng: ‘trời mở ra… Thần Khí ngự xuống… tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
Đối với Gio-an cũng như dân chúng thời đó, thì nghi thức xuống dòng sông dìm mình chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của thống hối tội lỗi, của cải tà qui chính. Đối với phần đa người Do Thái thì việc tẩy rửa này không chỉ mang nội dung luân lý mà còn cả tôn giáo nữa, vì nó biểu hiện việc tái lập lòng trung thành với giao ước Si-nai. Còn đối với Đức Giê-su thì sao, khi chính người chủ động tìm đến để dìm mình xuống dòng nước Gióc-đan? - Đối với Người, tôi thiết nghĩ, thì việc chịu phép rửa bởi tay Gio-an không đơn thuần chỉ là một hành vi tự hạ, mà còn hàm chứa cả một nội dung hết sức lớn lao. Sau này khi đặt câu hỏi với Gia-cô-bê và Gio-an: “các anh có chịu nổi phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38) Người xem ra muốn gợi ý về nội dung rất khác này.
Đối với Đức Giê-su, phép rửa chính là hành vi đón nhận trọn vẹn tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là đưa lòng thương xót của Chúa vào thân phận thấp hèn của con người tội lỗi, cũng như đối với tất cả những ai tin theo Người sau này, “phép rửa Thầy sắp chịu anh em cũng sẽ chịu”. Đức Giê-su không vướng tội, nhưng một khi đã mặc lấy thân phận con người, Người cũng phải thực hiện nơi mình chính điều mà Người hằng rao giảng: hãy ném mình vào Tin Mừng thương xót của Thiên Chúa như điều kiện để lãnh nhận được ơn cứu độ. Phép rửa mà Người sẽ đạt tới cao điểm và thể hiện cách hoàn hảo trên Thập Giá, lúc mà, trong tư cách người phàm, Người đã trọn vẹn phó thác mình cho lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Vì hành vi này chính là tâm điểm của Tin Mừng nên nó là kết quả trung thực nhất của Thần Khí (Thần Khí ngự xuống), nó mở rộng cửa trời (Trời mở ra), và nó biến con người tội lỗi thấp hèn thành ‘con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’. Đức Giê-su Ki-tô, trưởng tử trong các anh em sống kiếp con người, đã tự nguyện bước xuống dòng sông Gióc-đan và tắm rửa là để nói lên sự hoàn toàn chấp nhận lòng thương xót từ ái của Cha.
Như vậy phép rửa của Giao Ước Mới, được thể hiện nơi Đức Giê-su - A-đam mới, là hành vi cần thiết mà bất cứ kẻ tin nào đón nhận Tin Mừng tình yêu tha thứ đều phải thực hiện. Chẳng thế mà việc đón nhận Tin Mừng Cứu Độ đã được Đức Giê-su và các tông đồ đồng hóa với việc chấp nhận lòng thương xót nhiệm mầu qua biểu tượng bên ngoài là lãnh nhận ‘Phép Rửa’: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19). Hành vi thanh tẩy của Phép Rửa từ đó trở thành một bí tích của giao ước mới do Đức Ki-tô thiết lập (và có thể nói, chính Người trong tư thế ‘con người giống chúng ta mọi đàng, đã là người đầu tiên được rửa như thế tại sông Gióc-đan). Tất cả những ai muốn được cứu rỗi đều cần thực hiện ‘Phép Rửa’ đó trong thẳm sâu con người mình. Cũng như Đức Giê-su, nó được khởi sự thực hiện trong ngày đầu của niềm tin vào ơn cứu độ, tức ngày người Ki-tô hữu lãnh bí tích Rửa Tội, và sẽ chỉ thành toàn trong tiếp nhận trọn vẹn ngày ‘con phó linh hồn con trong tay Cha’.
Như vậy hôm nay quả là ngày chúng ta ghi nhớ sự Hiển Linh trọng đại nhất của con người Giê-su, không chỉ trong thần tính, mà nhất là trong nhân tính của niềm tin. Và cùng với Người, mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng mừng ngày hiển linh của con người được cứu chuộc qua bí tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận, hiển linh lòng nhân ái cứu vớt của Thiên Chúa, và hiển linh ơn cứu độ Chúa đã trao ban cho chúng ta cách nhưng không. Và cùng với mừng sự hiển linh rực rỡ này, cũng như Giê-su gục chết trên thập giá, chúng ta cũng ôm ấp và thề nguyền đưa việc hiển linh này tới thành toàn trong giờ phút quyết liệt nhất của cuộc đời: giờ phút chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng trong vòng thay nhân ái của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết dìm mình trong lòng từ bi thương xót vô biên của Chúa, qua việc con thành tâm sám hối, tức là chân thành nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của con. Nếu từ ngày được rửa tội cho tới nay con đã không làm điều này cho đủ, thì thời gian còn lại của cuộc đời, xin cho con dành trọn để đón nhận và tri ân lòng thương xót Chúa. Xin cho con nhận được hồng ân vô giá là, trong giờ lâm tử biết phó thác mình trọn vẹn trong bàn tay nhân hậu đầy từ ái của Cha. A-men


Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus

Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc

 
Top