CHÚA NHẬT TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
THÁNH GIA: CHÚA GIÊ-SU, ĐỨC MA-RI-A VÀ THÁNH GIU-SE
Suy niệm Tin Mừng Lc 2: 41-52
Học được gì nơi Thánh Gia?
Tôi thấy trong các gia đình công giáo rất thường trưng ảnh tượng Thánh Gia trên bàn thờ, và đó là điều đáng mừng. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, họ học được điều gì nơi cái gia đình ‘siêu phàm’ này? Theo tôi được biết, đối với nhiều người, đó đơn thuần chỉ là một sự thờ kính, tôn sùng một ‘thế lực’ liên quan tới lãnh vực gia đình vốn rất phực tạp; họ ước mong nhận được, nhân danh Thánh Gia Thất, phước lành từ trời cao giúp giải quyết được những căng thẳng trong đời sống phu thê ngày càng cam go và nhiều thách đố. Cũng có nhiều người nói với tôi là họ được dạy coi Thánh Gia như gương mẫu để bắt chước noi theo. Tốt thôi, nhưng họ bắt chước được điều gì nơi gia đình thánh này mới được chứ? Những ‘công dung ngôn hạnh’, những cần cù đảm đang, những trên thuận dưới hòa… tôi đâu có thấy phúc âm ghi nhận chỗ nào đâu. Về mặt này có lẽ sách Huấn Ca của Cựu Ước (những răn dạy tương tự tìm thấy trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, Nhị Thập Tứ Hiếu, sách Giáo Khoa Thư… hoặc các tác phẩm tương tự như thế mà mỗi dân tộc đều có) đã có dư thừa và đôi khi còn phong phú hơn cả Phúc Âm nữa là đàng khác. Hơn thế nữa Lời Chúa của lễ Thánh Gia hôm nay kể về câu chuyện ‘trẻ Giê-su vị thành niên bị thất lạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem’, một giai thoại tôi thấy chẳng có chút gì liên quan tới nội dung luân lý giáo điều về gia đình.
Giai thoại tường thuật một sự kiện hiếm hoi được ghi nhận trong thời gian thật dài khi trẻ Giê-su còn chung sống trong gia đình mình tại Na-da-rét, giai thoại được Maria ghi vào ký ức để suy đi nhẩm lại, có vẻ gì đó khá tiêu cực nếu xét theo các tiêu chí luân lý thông thường: Trẻ Giê-su đã làm phiền lòng chính cha mẹ của mình. “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Thế thì trong đời sống của Thánh Gia đâu phải mọi sự đều trôi chảy, đều êm thắm, đều lý tưởng… để có thể trở thành mẫu gương luân lý tiết hạnh cho mọi thời đại! Tôi dám chắc rằng Thánh Gia cũng có những diễn biến cuộc sống tạo nên những hỷ, nộ, ái, ố như mọi gia đình bình dân khác mà thôi; điều đó là tất nhiên do giới hạn khiếm khuyết cố hữu của mọi kiếp người (kể cả kiếp người của Con Thiên Chúa giáng trần nên giống chúng ta mọi đàng). Tuy nhiên Thánh Gia đã có một điều gì đó rất khác lạ, rất phi thường… vì đó là gia đình đầu tiên đã học biết (… nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói) sống những ‘trục trặc’ bình thường đó trong một tinh thần Tin Mừng cao độ, đó là hãy lo ‘bổn phận ở nhà của Cha’. Trẻ Giê-su hình như đã mời gọi cả Ma-ri-a lẫn Giu-se áp dụng nguyên tắc đó vào trường hợp này cũng như những lúc khác mỗi khi đời sống gia đình bị chao đảo, bị xáo trộn do nhiều nguyên nhân khách quan hay chủ quan gây nên. Theo trẻ Giê-su ‘bổn phận ở nhà của Cha’ có lẽ không đơn giản chỉ là ở lại trong đền thờ? Cái ‘bổn phận’ đó, bằng cả cuộc sống trần gian, nhất là qua cái chết thập giá, Người đã không ngừng giải thích cho các môn đệ Người được rõ. Thánh Gioan, người môn đệ theo sát Thầy Giê-su nhất, đã dần học được cái bổn phận căn bản này; và một khi học được, vì là người môn đệ được tựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã mạnh mẽ thốt lên: “Anh em hãy thương yêu nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa…Tình yêu cốt ở điều này… chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta… Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4:7-16). Mọi gia đình Ki-tô, bắt đầu từ chính Thánh Gia Thất, đều phải học thuộc bài học này. Giu-se cũng phải học, cả Maria cũng thế. Bài học yêu thương tha thứ cho nhau, vì biết rằng Thiên Chúa là người thứ nhất đã yêu thương và tha thứ, thì ai cũng phải học, đơn giản vì ai cũng có thể bực dọc hay phật lòng (bất kể có lý do chính đáng hay không). Và bài học này thực tế không dễ hiểu và lãnh hội chút nào, chưa nói tới việc đem nó ra thực hành, vì không đặt nền tảng trên lý luận hay hợp lý; nó cũng chẳng tỏ ra công bằng gì! Chỗ dựa duy nhất của kêu mời Tin Mừng này là niềm tin vào Ki-tô Giê-su, tin vào sự điên rồ hay ngu xuẩn của Thập giá tha thứ và cứu độ. Kể cả Giu-se và Ma-ri-a cũng phải cảm thấy khó khăn và bối rối, “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói…”, chính vì vậy mà “riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Chính ở điểm này mà Thánh Gia thật gần gũi với đời thường chúng ta, vì gia đình chính là môi trường, nơi mà tình yêu tìm được cách biểu lộ chân thực nhất giữa các thử thách cam go. Trong tất cả mọi môi trường được gọi là gia đình (kể cả gia đình cộng đoàn tu sĩ hoặc các gia đình Giáo Hội) nơi qui tụ và ‘chung sống’ những con người bất toàn, thì bất hòa hay bực dọc sẽ mãi mãi vẫn là chuyện cơm bữa, thì tình yêu thương xót và tha thứ bắt nguồn từ Tin Mừng Cứu độ của Thiên Chúa sẽ luôn có dịp cất lên tiếng nói mãnh liệt nhất của mình. Gia đình chính là môi trường Tin Mừng số một, nơi mà cùng với Thánh Gia, chúng ta được mời gọi thể hiện Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày, chu toàn ‘bổn phận ở nhà của Cha’!
Lm Gioan Ty SDB
Đăng nhận xét Bình luận bằng Google Bình luận bằng Disqus
Lưu ý:
- Để bình luận, bạn phải đăng nhập bằng tài khoản Google
- Bấm vào nút Biểu Tượng Cảm Xúc và làm theo hướng dẫn để chèn Biểu Tượng Cảm Xúc